Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Theo Điều 175 BLHS 2015 thì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi: vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó, hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt: tài sản phải có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên thì mới phạm vào tội này, nếu dưới bốn triệu đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và điều 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì mới phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 

  1. Các dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Thứ nhất, dấu hiệu về mặt chủ thể của tội phạm

Có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.

Thứ hai, dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu

Thứ ba, dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng  bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Thứ tưdấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được cấu thành khi thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Giá trị của tài sản chiếm đoạt của người khác từ 4.000.000 đồng trở lên; (ii) Giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội về xâm phạm sở hữu khác: tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp, tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (iii) Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống của chính người bị hại hoặc gia đình họ.

Những hành vi khách quan cần có những điểm đáng lưu ý sau: (i) Người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua các hợp đồng vay, mượn thuê tài sản của người khác hoặc bằng hình thức khác. Sau khi có được tài sản người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; (ii) Nếu người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

  1. So sánh Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 thì Điều 175 Bộ luật hình sự 2015

So với Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 thì Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 đã có những thay đổi mang tính hoàn thiện hơn hành lang pháp lý đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 

Thứ nhất, thay đổi về nội hàm của khái niệm “hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

Theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định 03 loại hành vi là hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đó là:

Sau khi vay, mượn, thuê, tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, chủ thể đã thực hiện một trong 03 hành vi sau:

  • Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó;
  • Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
  • Sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Tuy nhiên, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định thêm 01 loại hành vi là hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đó là hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”, đồng thời bỏ hành vi “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” ra khỏi khái niệm “hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đây chính là một bước hoàn thiện rõ rệt của Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999.

Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt và phải là chiếm đoạt được. Hành vi chiếm đoạt ở tội này là sự vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản bằng hành vi chiếm đoạt. Có thể hiểu: Chiếm đoạt là hành vi cố ý (trực tiếp) làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng thực tế thực hiện quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản của mình và tạo ra cho người phạm tội khả năng thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt trái pháp luật tài sản đó.

Dựa trên cơ sở đó, xem xét đến hành vi của người nhận được tài sản thông qua các hình thức hợp đồng ngay thẳng (vay, mượn, thuê… tài sản) sau đó khi đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Hành vi “cố tình không trả” là hành vi vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, hành vi này làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng thực hiện quyền sở hữu của mình trên thực tế và tạo cho chủ thể (vay, mượn, thuê… tài sản) khả năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó như tài sản của mình; Như vậy, hành vi đó là hành vi chiếm đoạt và mang bản chất của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, xem xét đến hành vi “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản”, ta thấy Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã không quy định hành vi này là hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là đúng đắn, bởi lẽ: Trên thực tế, những người nhận được tài sản thông qua các hình thức hợp đồng ngay thẳng (vay, mượn, thuê… tài sản) sau đó “bỏ trốn” (trốn khỏi nơi cư trú, nơi làm việc) sẽ thuộc một trong hai trường hợp:

Một là, người (vay, mượn, thuê… tài sản) vì một lý do nào đó đã không còn khả năng trả lại tài sản

Trong trường hợp lý do đó là khách quan (như: Kinh doanh thua lỗ…), hành vi “không trả lại tài sản” của người đó không có lỗi cố ý trực tiếp nên không phải là hành vi chiếm đoạt, việc người đó bỏ trốn chỉ là “bất đắc dĩ” do “vỡ nợ” chứ không phải là một thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản. Còn trong trường hợp lý do dẫn đến việc người đó không có khả năng trả lại tài sản là do lỗi chủ quan: Người đó đã sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp (ví dụ: Đánh bạc, buôn lậu…), thì hành vi này là hành vi chiếm đoạt, vì hành vi sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp là sự định đoạt trái pháp luật của chủ thể đối với tài sản không phải của mình (người đó đương nhiên nhận thức rõ được tính trái pháp luật này và do đó, hành vi này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp) và làm cho chủ tài sản mất hẳn tài sản; nhưng trường hợp này đã được quy định là một hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hai là, người (vay, mượn, thuê… tài sản) có khả năng trả lại tài sản nhưng bỏ trốn cùng với số tài sản nhận được

Trường hợp này trùng với trường hợp “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”, chính hành vi bỏ trốn cùng số tài sản nhận được đã thể hiện thái độ “cố tình không trả” của chủ thể.

Như vậy, việc Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã hình sự hóa “hành vi khi đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” thành một hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đồng thời phi hình sự hóa “hành vi bỏ trốn” trong tội này, là một bước tiến rõ rệt trong việc hoàn thiện các quy định của luật hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn bỏ chữ “để” trong cụm từ “dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó” tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999, thành “dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó”, đây cũng là một bước tiến của Bộ luật Hình sự năm 2015, nhằm tránh việc dấu hiệu chiếm đoạt trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị nhầm lẫn thành “mục đích chiếm đoạt” thay vì là “hành vi chiếm đoạt được” như đúng bản chất pháp lý của tội này.

 

Thứ hai, thay đổi về các dấu hiệu định khung hình phạt

Điểm e khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 sử dụng các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” làm tình tiết định khung hình phạt của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhưng cũng như ở các tội khác, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định các tình tiết này làm tình tiết định khung hình phạt, đây cũng chính là một điểm mới mang tính tiến bộ của Bộ luật Hình sự năm 2015, bởi lẽ:

Một là, đây là những “hậu quả gián tiếp” do hành vi phạm tội gây ra, mà việc định tội, định hình phạt đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải căn cứ vào hậu quả trực tiếp của hành vi nguy hiểm cho xã hội, chứ không phải là hậu quả gián tiếp (hậu quả mang tính chất suy diễn và nằm ngoài khả năng dự đoán của người phạm tội).

Hai là, những “hậu quả nghiêm trọng” hay “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” như trên mang tính không cụ thể, nếu quy định vào trong luật như Bộ luật Hình sự năm 1999, thì sẽ dẫn đến việc phải có văn bản hướng dẫn dưới luật thì mới thi hành được luật, mà luật hình sự thì phải cụ thể và rõ ràng, dễ hiểu để mọi người đều có thể hiểu và thi hành, tránh phát sinh nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật. Như vậy, quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể hơn và mang tính tiên liệu thực tiễn cao hơn Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thêm tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” làm tình tiết định khung hình phạt, quy định này là hợp lý và cần thiết để răn đe, trừng trị đối với những người mà tính “bất tín” đã trở thành bản tính.

Thứ ba, thay đổi về các mức hình phạt

Các mức hình phạt quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 đều theo hướng có lợi hơn cho người phạm tội so với khoản 3, 4, 5 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Khoản 3 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù, không có khoảng giao thoa với khoản 2. Còn khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức hình phạt từ 05 năm đến 12 năm tù, có khoảng giao thoa với khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 và nhẹ hơn khoản 3 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Khoản 4 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, không áp dụng tù chung thân, có lợi hơn cho người phạm tội so với khoản 4 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng lại không có khoảng giao thoa với khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc không có khoảng giao thoa này cần phải xem xét lại, vì rõ ràng hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị 499.999.000 đồng và có thêm tình tiết tăng nặng khác” nguy hiểm hơn hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị 500.000.000 đồng và không có thêm tình tiết tăng nặng” (thậm chí là có thể có thêm 01 tình tiết giảm nhẹ), nhưng mức hình phạt cho hành vi thứ nhất không thể quá 12 năm, còn mức hình phạt cho hành vi thứ hai thì lại không thể dưới 12 năm.

Khoản 5 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 về cơ bản là giống với khoản 5 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999, chỉ khác ở chỗ: Khoản 5 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hình phạt “bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm” có thể được áp dụng đồng thời với hình phạt “bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, tức là người phạm tội có thể vừa bị mất tài sản lại vừa bị “mất nghề”, nhưng theo khoản 5 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì chỉ được áp dụng một trong hai hình phạt bổ sung này, như vậy là nhân đạo hơn với người phạm tội.

Tóm lại, có thể nói, đối với tội lạm dụng tín nhiệm tài sản, Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới mang tính khoa học, hợp lý, cụ thể, rõ ràng, nhân đạo và hoàn thiện hơn hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, việc quy định khung hình phạt ở khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 không có khoảng giao thoa với khung hình phạt ở khoản 3 thì cần phải xem xét lại, để các quy định của luật hình sự ngày một hoàn thiện hơn./.

 

Sản Phẩm Liên Quan