Hòa giải tranh chấp lao động là gì

Hòa giải tranh chấp lao động là gì? Những tranh chấp lao động cần hòa giải.

  1. Hòa giải tranh chấp lao động là gì?

Theo Bộ luật Lao động năm 2019 :

“Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.”

Có thể hiểu rằng tranh chấp lao động là tranh chấp phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động trong quá trình thuê mướn, sử dụng lao động, bao gồm cả cá nhân và tập thể người lao động, đại diện các bên trong quan hệ lao động. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, tranh chấp phát sinh từ một số quan hệ liên quan đến quan hệ lao động như quan hệ về đào tạo, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp,… cũng được coi là tranh chấp lao động (Khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019).

Hòa giải tranh chấp lao động là phương thức giải quyết tranh chấp lao động, theo đó, một cơ quan (tổ chức, cá nhân) có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật đưa ra phương án hoà giải để hai bên tranh chấp xem xét.

Khi có tranh chấp lao động, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động phải tiến hành thủ tục hoà giải. Nếu hai bên tranh chấp cùng chấp nhận phương án hoà giải thì cơ quan (tổ chức, cá nhân) có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lập biên bản hoà giải thành, hai bên tranh chấp thực hiện các thoả thuận ghi trong biên bản. Nếu hai bên tranh chấp không chấp nhận phương án hoà giải thì cơ quan (tổ chức, cá nhân) đó lập biên bản hoà giải không thành. Trong trường hợp này, các bên tranh chấp có quyển yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết tranh chấp hoặc cơ quan hoà giải không thành tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng phương thức khác theo quy định của pháp luật. Theo Bộ luật lao động năm 1994 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002), cơ quan có thẩm quyền hoà giải tranh chấp lao động là Hội đồng hoà giải lao động cơ sở tại doanh nghiệp, hoà giải viên lao động cấp huyện, Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh, Tòa án nhân dân.

  1. Những tranh chấp lao động cần hòa giải

– Các loại tranh chấp lao động:

Theo khoản 1 Điều 179 BLLĐ 2019 tranh chấp lao động được chia thành: tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể

  • Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;
  • Tranh chấp lao động tập thể là tranh chấp về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

– Những tranh chấp lao động bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải.

Theo khoản 1 Điều 188 BLLĐ 2019 thì tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

  • Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
  • Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động
  • Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động
  • Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế
  • Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
  • Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại

Có thể thấy rằng tất cả các tranh chấp lao động đều phải thực hiện thông qua thủ tục hòa giải cơ sở trừ trường hợp thuộc một trong những loại tranh chấp nêu trên thì không bắt buộc phải thông qua thủ tục này.

Sản Phẩm Liên Quan