Điểm mới của LĐĐ 2013 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi NN thu hồi đất

 

Có thể khái quát một số nội dung chủ yếu mang tính đổi mới về lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng quy định trong Luật Đất đai năm 2013 so với Luật Đất đai năm 2003. Cụ thể như sau:

+Đưa vào Luật Đất đai 2013 sự đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất: Quy định tại Khoản 3 Điều 26 Luật Đất đai: “…3.Khi  Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được  Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.”

+Về thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất: Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể thẩm quyền của UBND cấp huyện  cũng như của UBND cấp tỉnh, nhưng trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng thuộc thẩm quyền quyết định thu hồi đất của hai cấp thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất.

+Về trình tự, thủ tục: Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi biết. Nội dung thông báo bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Như vậy, Luật mới đã cụ thể hóa hơn và có sự tham gia của người dân vào kế hoạch khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, tránh các trường hợp không đồng ý về phương án đền bù khi thu hồi đất.

+Về các trường hợp thu hồi đất: Luật đất đai 2003 quy định 12 trường hợp thu hồi đất nhưng Luật Đất đai 2013 chỉ phân chia ra thành 4 trường hợp thu hồi đất được quy định từ điều 61 đến điều 65 nhưng lại phù hợp hơn với tình hình thu hồi đất trên thực tế. Và trong các quy định thu hồi đất này, có những điểm rất mới như thu hồi do sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm; đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của pháp luật mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho; người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành….

+Về quy trình thu hồi đất: Quy trình thu hồi đất được quy định rõ ràng và chú ý hơn đến sự thông báo, phổ biến đến từng người dân cũng như thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất bị thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì được vận động, thuyết phục để cùng phối hợp thực hiện. Việc vận động, thuyết phục người dân trong trình tự thu hồi đất được quy định trong luật là một điểm mới. Phương pháp thuyết phục được quy định trước khi áp dụng cưỡng chế sẽ giảm thiểu được thủ tục và chi phí cho việc cưỡng chế khi thu hồi đất và cũng là sự phổ biến pháp luật đất đai đến người dân khi nhà nước thu hồi đất.

+Về nguyên tắc bồi thường: Luật Đất đai năm 2013 đã tách nguyên tắc bồi thường về đất và nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thành 2 điều riêng biệt (Điều 74 và Điều 88). Trong đó, quy định cụ thể các nguyên tắc bồi thường về đất và các nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất để các bộ, ngành, địa phương và người thu hồi đất căn cứ vào đó thống nhất thực hiện.
+Về các điều kiện để được bồi thường về đất: Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể và làm rõ các điều kiện để được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với từng loại đối tượng mà Nhà nước thu hồi đất. Và đặc biệt, Luật Đất đai 2013 còn bổ sung thêm 2 trường hợp được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 75.

Như vậy, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thu hồi đất, khắc phục bất cập và điều tiết một cách hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, đồng thời nhằm giảm thiểu khiếu kiện trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, Luật Đất đai 2013 đã tiếp tục kế thừa và đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của pháp luật Đất đai năm 2003 nhằm đưa chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước đi vào cuộc sống. Và với các quy định mới về bồi thường, thu hồi đất, cơ chế thu hồi rỗ ràng trên Nhà nước đã nâng cao quyền của người dân trong quá trình tham gia vào việc bồi thường, thu hồi đất. Luật Đất đai 2013 đưa vào thực hiện sẽ giảm số lượng khiếu nại, khiếu kiện do đã có quy định rõ ràng và nâng cao hơn nữa quyền của người dân đối với quyền sử dụng đất khi được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Và người dân cũng nên nắm bắt những điểm mới này về bồi thường, thu hồi đất để tự bảo vệ được quyền lợi của mình, tránh được các tranh chấp không đáng có về sau.

— H2O —

Sản Phẩm Liên Quan