Những điều cần biết về Luật HN&GĐ 2014

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH 2014

Tính đến thời điểm hiện nay, Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã chính thức có hiệu lực thi hành được hơn 5 tháng, tuy nhiên không hẳn ai cũng biết đến sự điều chỉnh và những quy định đã được sửa đổi và bổ sung trong Luật hôn nhân và gia đình 2014 lần này:

1.Nâng độ tuổi kết hôn của nam và nữ.

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 trước đây thì nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên là đủ tuổi kết hôn, và khi ở độ tuổi này mà kết hôn thì không bị coi là vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn. Tuy nhiên, với quy định điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì độ tuổi kết hôn của nam và nữ sẽ được nâng lên và được tính theo tuổi tròn, bắt buộc nam phải đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ phải đủ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn.
2. Không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính 
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng lại quy định cụ thể “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” -Khoản 2 Điều 8.
3. Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo 

Theo Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định như sau:
– Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
– Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
– Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
– Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

4. Qui định chế độ tài sản của vợ chồng: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo thoả thuận.

Trước đây, Luật Hôn nhân và gia đình 2000 quy định chưa rõ ràng về chế độ sở hữu của vợ chồng, chủ yếu đề cập đến các tài sản thuộc Về đất đai, còn các tài sản khác như chứng khoán, tài sản trong doanh nghiệp thì chưa được đề cập tới. Vì vậy, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cụ thể chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận,  việc thỏa thuận phải được lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực trước khi kết hôn. Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn.

5. Công việc nội trợ được coi như lao động có thu nhập

Điểm mới đáng lưu ý trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là những quy định về giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Điểm khác biệt so với Luật Hôn nhân và gia đình 2000 là luật mới đã quy định rõ công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập.

6.Thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn

Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trong Luật Hôn nhân và gia đình trước đây thì kể từ ngày 1-1-2015 – tức là ngày Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực thì cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn trong một số trường hợp cụ thể như khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Và đồng thời cũng quy định chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng.

7.  Áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình

Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ quy định “Vận động nhân dân xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp…”. Việc quy định chung chung như trên tạo nhiều bất cập, gây khó khăn cho tòa án khi xét xử các vụ án trên thực tế. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cụ thể việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình, đó là: Chỉ được áp dụng tập quán trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận nhưng không được trái với các nguyên tắc, vi phạm các điều cấm tại Luật này quy định.

8.       Nghĩa vụ đối với con khi ly hôn

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 trước đây quy định là từ đủ 9 tuổi trở lên), thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Quy định “về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác” được sửa thành “con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Trên đây là một số điểm đổi mới nổi bật, hy vọng rằng, khi đi vào cuộc sống, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 sẽ giải quyết được những quan hệ phức tạp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bền vững và hạnh phúc hơn.

—  H2O —

 

Sản Phẩm Liên Quan