Thủ tục Giám đốc thẩm trong Tố tụng Dân sự

THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

*Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt được áp dụng khi bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Đây là thủ tục nhằm khắc phục sai lầm nghiêm trọng của Tòa án trong việc giải quyết vụ án mà bản án, quyết định đó đã có hiệu lực. Thủ tục này là hình thức đảm bảo pháp chế Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong hoạt động tố tụng dân sự.

Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, không phải là một cấp xét xử. Tính chất đặc biệt thể hiện ở đặc điểm:

– Giám đốc thẩm là thủ tục xét lại các bản án đã có hiệu lực pháp luật, không xét xử lại các bản án, quyết định đó.

– Đối tượng của thủ tục giám đốc thẩm là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

– Căn cứ làm phát sinh thủ tục giám đốc thẩm là việc phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong khi giải quyết vụ án.

– Chủ thể làm phát sinh thủ tục giám đốc thẩm chỉ có một số người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tại Điều 258 Bộ luật Tố tụng dân sự.

– Thủ tục giám đốc thẩm không mở công khai và bắt buộc phải có sự tham gia của viện kiểm sát.

 

*Trong trường hợp muốn khiếu nại yêu cầu xem xét lại bản án dân sự phúc thẩm thì cần phải xem xét các căn cứ kháng nghị được quy định tại Điều 283 Bộ luật tố tụng dân sự. Căn cứ kháng nghị là cơ sở pháp lý để các chủ thể có thẩm quyền kháng nghị dựa vào đó yêu cầu Tòa án xem xét lại vụ án bằng việc ra quyết định kháng nghị. Bao gồm:

-Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án: Được hiểu là kết luận của Tòa án trong bản án, quyết định không đúng với bản chất của sự việc, không có sự đồng nhất với sự thật khách quan.

-Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng: Được hiểu là trong quá trình áp dụng pháp luật tố tụng của Tòa án đã không áp dụng đúng các quy định của luật tố tụng dân sự. Mức độ vi phạm phải là nghiêm trọng( vi phạm các nguyên tắc của luật tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự).

-Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật: Được hiểu là Tòa án đã áp dụng sai luật nội dung vào giải quyết vụ án. Tòa án đã sử dụng những căn cứ dựa vào đó để kết luận vụ việc không đúng với bản chất sự việc đó.

 

Bên cạnh đó, cần căn cứ vào quy định của pháp luật tại các điều khoản như:

+Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011 quy định về phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm như sau:

“1. Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 285 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

  1. Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 285 của Bộ luật này.”

+Điều 284a của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự quy định về nội dung đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm.

+Điều 285 quy định về người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

1. Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

  1. Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện.”

+Điều 284 và Điều 288 quy định về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định như sau:

Căn cứ theo Điều 284 thì thời hạn đương sự được gửi đơn yêu cầu người có thẩm quyền kháng nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 01 năm. Căn cứ vào Điều 288 thì thời hạn kháng nghị của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 3 năm (quy định tại khoản 1) hoặc 5 năm (theo quy định của khoản 2);

Như vậy, nếu muốn được xem xét giải quyết lại bản án dân sự phúc thẩm theo thủ tục Giám đốc thẩm thì trong thời hạn một năm kể từ ngày tuyên án, đương sự cần làm đơn khiếu nại lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị cho xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Nội dung đơn khiếu nại cần căn cứ theo quy định tại Điều 284a, và cần lưu ý phải có kèm theo bản án và những chứng cứ chứng minh cho những lý do yêu cầu xem lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

 

— H2O —

 

Sản Phẩm Liên Quan