Luật sư làm gì trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự
Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng trong đó Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp điều tra, cưỡng chế… để chứng minh hành vi phạm tội của cá nhân, pháp nhân theo các quy định của pháp luật.
Điều tra vụ án hình sự bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố vụ án và kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra hoặc quyết định đình chỉ điều tra.
Hoạt động của Luật sư trong giai đoạn này nhằm hướng tới mục đích là xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm các chứng cứ của vụ án được điều tra, thu thập chính xác, khách quan bảo đảm cho bị can thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Sự tham gia của luật sư là rất cần thiết…trong quá trình điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra. Nghiên cứu, đánh giá tính hợp pháp, những chứng cứ phù hợp và tìm ra những sai phạm trong tố tụng, kịp thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp trong giai đoạn này.
Trong giai đoạn điều tra, luật sư thực hiện những công việc sau:
- Đăng ký bào chữa
Ngay sau khi có đơn mời luật sư của bị can, người bị tạm giữ hoặc người nhà của họ. Luật sư sẽ tiến hành việc đăng ký bào chữa.
Sau đó, luật sư gặp điều tra viên, cán bộ phụ trách vụ án để trao đổi thông tin nắm bắt tình hình vụ việc, tình hình của bị can, người đang bị tạm giữ.
Luật sư gặp bị can, tiếp xúc, trao đổi (trường hợp bị can không bị tạm giam mà chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú), năm tình hình diễn biến vụ việc, tư vấn diễn biến tiếp theo việc giải quyết vụ án, thời gian, tiến trình, quy định của tố tụng hình sự.
- Tham gia lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can
Sự tham gia của Luật sư trong các buổi lấy lời khai là rất quan trọng, giúp người bị tạm giữ bị can ổn định tâm lý, tự tin hơn trong khai báo, ngăn ngừa những nội dung khai báo sai sự thật.
Khi có sự tham gia của luật sư, bị can, người bị tạm giữ phải nhớ là cần tranh thủ khai báo đúng sự thật khách quan, diễn biến của sự việc. Có luật sư ở đó sẽ làm chứng cho mình và bảo vệ cho mình theo đúng mức độ tương ứng của hành vi theo quy định pháp luật.
Lưu ý đối với luật sư khi tham gia hỏi cung bị can cùng điều tra viên:
Để tham gia hỏi cung bị can, sau khi nhận được Thông báo về người bào chữa Luật sư phải gửi công văn đề nghị tham gia hỏi cung bị can, công văn cần đề xuất rõ ràng, khi tiến hành hỏi cung đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra, Điều tra viên thông báo trước ngày, giờ hỏi cung bị can bằng văn bản gửi tới cho Luật sư.
Khi tham gia hỏi cung, Luật sư cần bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can được nghe đọc và giải thích về quyền và nghĩa vụ của mình. Chú ý lắng nghe, ghi chép và chuẩn bị kỹ các câu hỏi để hỏi thân chủ sau khi Điều tra viên, Kiểm sát viên hỏi xong. Các câu hỏi cần phải được điều chỉnh sau khi nghe Điều tra viên, Kiểm sát viên hỏi để phù hợp và có lợi cho thân chủ. Không nên hỏi lại những câu hỏi đã được hỏi trước đó nếu thông tin về hỏi và trả lời không có vấn đề gì.
Ghi chép lại những tình tiết quan trọng trong vụ án được Điều tra viên, Kiểm sát viên hỏi để hiểu bản chất vụ án.
Chú ý biên bản hỏi cung bị can vì đây là văn bản pháp lý phản ánh nội dung, kết quả hoạt động điều tra quan trọng.
Xem xét các biên bản về hoạt động tố tụng như: Quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, Luật sư có thể xem xét việc xin bảo lĩnh, đề xuất thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với thân chủ của mình.
- Tham gia hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác
Luật sư tham gia hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và các hoạt động điều tra khác như: Thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định… sẽ giúp Luật sư hiểu rõ hơn về bản chất vấn đề, có được định hướng tốt hơn khi giải quyết vụ án.
- Thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu
Luật sư có quyền kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá chứng cứ mà mình thu thập được
Tự mình tiến hành các hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ khách quan, chủ động đưa ra tài liệu, đồ vật làm chứng cứ trong vụ án mà mình tham gia.
Đề nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ, yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, yêu cầu giám định hoặc giám định lại nếu thấy kết quả giám định trước đó chưa phù hợp
Gửi kiến nghị đến cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xác minh thêm nếu sau khi tiếp cận vụ án, thu thập chứng cứ, các tài liệu liên quan nếu nhận thấy vụ án còn nhiều điều cần làm rõ
Kiến nghị Cơ quan điều tra đình chỉ điều tra nếu có căn cứ cho rằng bị can không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của bị can không cấu thành tội phạm.