(NLĐO)- Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố ông Lê Duy Việt, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, về hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” do có sai phạm nghiêm trọng trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ngày 16-8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ – Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết liên quan đến những sai phạm tại dự án cầu Bến Thủy 2, đơn vị này vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố thêm 3 bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
3 bị can bị khởi tố là Lê Duy Việt (SN1960), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, đồng thời là nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (GPMT) dự án cầu Bến Thủy 2; Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1975, ở khối 1, thị trấn Xuân An); và Nguyễn Công Minh (SN 1944, ở khối 1, thị trấn Xuân An).
Theo kết quả điều tra năm 2010, mặc dù Nguyễn Thị Hồng Nhung không thuộc diện đền bù, giải tỏa để triển khai dự án xây dựng cầu Bến Thủy 2 nhưng ông Nguyễn Công Minh, là khối trưởng khối 1 thị trấn Xuân An, vẫn làm giả hồ sơ để bà Nhung nhận tiền bồi thường GPMB.
Tháng 12-2011, mặc dù hồ sơ nhận tiền bồi thường của bà Nhung không đúng, nhưng ông Lê Duy Việt, lúc này là Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, đã ký duyệt chi trả cho bà Nhung 149 triệu đồng tiền bồi thường. Ngoài ra, ông Việt cùng Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cầu Bến Thủy 2 còn cấp đất tái định cư sai cho 7 hộ dân không có hộ khẩu trên địa bàn thị trấn Xuân An, với tổng diện tích hơn 1.700 m2.
Liên quan đến các sai phạm trong việc đền bù GPMB dự án Cầu Bến Thủy 2, trước đó Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ra quyết định khởi tố 6 bị can khác về các hành vi cố ý làm trái quy định, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
A) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
B) Có tổ chức;
C) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
D) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
(http://nld.com.vn/phap-luat/sai-pham-trong-den-bu-nguyen-pho-chu-tich-huyen-bi-khoi-to-20140817084206457.htm)