Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

1

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định được quy định tại Chương XXI Bộ luật Dân sự năm 2005 với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm hại và phòng ngừa, răn đe những hành vi gây thiệt hại trong trường hợp các bên không xác lập hợp đồng.

     1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Được quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự, cụ thể:

     “1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc của chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

     2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xây dựng trên nguyên tắc người gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường. Khi một người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản … của cá nhân hoặc pháp nhân thì phải có trách nhiệm bồi thường. Có hai trường hợp là cố ý gây thiệt hại và vô ý gây thiệt hại:

– Cố ý gây thiệt hại là một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Ví dụ: Một người thực hiện hành vi giết người với lỗi cố ý. Trong trường hợp này, người thực hiện hành vi giết người đã nhận thức được hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho tính mạng của người khác nhưng vẫn thực hiện.

– Còn vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.Ví dụ: Một người uống rượu khi tham gia giao thông (lái xe ô tô) gây tai nạn để lại thương tích cho người khác. Trong trường hợp này, người tham gia giao thông có thể biết trước hành vi uống rượu có khả năng gây ta tai nạn nhưng tự tin sẽ không gây ra tai nạn làm thiệt hại lợi ích của người khác.

Như vậy, lỗi là điều kiện đầu tiên phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau:

– Phải có thiệt hại xảy ra gồm: Thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất tinh thần;

– Phải có hành vi trái pháp luật: là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động trái với các quy định của pháp luật;

– Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại;

– Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Trường hợp người gây thiệt hại không có lỗi mà pháp luật quy định vẫn phải bồi thường là trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải có trách nhiệm bồi thường. Với quy định này pháp luật đã dự liệu các trường hợp gây ra thiệt hại dù không có lỗi vẫn phải bồi thường nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.

  2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại hại

Điều 605 Bộ luật Dân sự quy định ba nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:

– Thứ nhất: “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy đinh khác”.

Bồi thường “toàn bộ” và “kịp thời” là nguyên tắc được thể hiện đầu tiên trong các nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên tắc này đảm bảo người có hành vi gây thiệt hại phải bồi thường tương xứng với toàn bộ thiệt hại đã gây ra và bồi thường kịp thời, càng nhanh càng tốt để khắc phục hậu quả. Pháp luật khuyến khích các bên đương sự tự thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường. Tuy nhiên sự thỏa thuận không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

– Thứ hai: “Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình”.

Đây là nguyên tắc thể hiện tính nhân văn của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, để giảm mức bồi thường thiệt hại thì người gây ra thiệt hại phải thỏa mãn đủ hai điều kiện là có lỗi vô ý và thiệt hại gây ra quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

– Thứ ba: “Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước cơ thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường”.

Với nguyên tắc trên thì người gây thiệt hại hoặc người bị thiệt hại có thể yêu cầu thay đổi mức bồi thường khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế. Cụ thể là trong trường hợp mức bồi thường quá thấp gây bất lợi cho người bị thiệt hại để khắc phục hậu quả gây ra hoặc mức bồi thường quá cao làm ành hưởng lợi ích của người gây ra thiệt hại.

Nguyên tắc trên đã dự liệu các quy định của pháp luật không thay đổi kịp theo sự thay đổi của thực tế. Bởi pháp luật mang tính ổn định, tuy không bất biến nhưng cũng không thể thay đổi từng giờ, từng ngày như sự phát triển của kinh tế, xã hội.

3. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân.

Xác định năng lực bồi thường thiệt hại của cá nhân là một vấn đề quan trọng trong xác định đúng trách nhiệm bồi thường của người gây ra thiệt hại. Căn cứ vào độ tuổi, tình trạng tài sản, và khả năng bồi thường thiệt hại của cá nhân, Điều 606 Bộ luật Dân sự quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:

– Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi đầy đủ phải tự bồi thường;
– Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật Dân sự.

– Người từ 15 tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hội không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Việc quy định người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã dựa trên nguyên tắc quy định rằng các chủ thể này phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi. Bởi người dưới mười lăm tuổi thì trình độ nhận thức và khả năng điều khiển hành vi còn nhiều hạn chế nên cha, mẹ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do con mình đã gây ra trừ trường hợp tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng đó để bồi thường phần còn thiếu.

  4. Xác định thiệt hại

Tại Mục 2 Chương XXI Bộ luật Dân sự quy định có các loại thiệt hại sau:

– Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm: Thông thường, khi tài sản bị xâm phạm, việc xác định thiệt hại thường dễ dàng hơn bởi vì sự thiệt hại về tài sản thì luôn luôn được định giá một cách cụ thể, hơn nữa thiệt hại về tài sản phần lớn là sự mất mát, hư hỏng, hoặc tài sản bị hủy hoại nên thường có số liệu cụ thể.

– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Khi xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, Tòa án phải dựa vào các chứng từ do đương sự cung cấp để quyết định mức bồi thường. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên có những khoản chi phí không thể có hóa đơn như: khoản chi phí thuê xe máy đưa người đi cấp cứu thường không có hóa đơn, chứng từ nên khi xác định Hội đồng xét xử thường chỉ dựa vào thực tế chi phí của người bị thiệt hại để xác định.

– Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: Bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.

– Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế khắc phục thiệt hại và thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Tùy từng trường hợp ngoài việc buộc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, Tòa án quyết định người gây thiệt hại do hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm nhưng không vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

     5.Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại

Điều 607 BLDS 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.”

Quy định thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ  ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm không quá dài cũng không quá ngắn đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị xâm hại. Tuy nhiên, quy định về thời hiệu khởi kiện như trên sẽ không đảm bảo nguyên tắc bồi thường “toàn bộ và kịp thời” trong một số trường hợp đặc biệt khi hậu quả của hành vi xâm phạm không phải hai năm mới biểu hiện hết ra được. Ví dụ: Công ty sản xuất bột ngọt VEDDAN xả thải ra môi trường từ những năm 1994 – 1995 gây hậu quả ô nhiễm nặng nề cho nguồn nước, nguồn đất… nhưng phải đến hơn mười năm sau (năm 2006) Bộ Tài nguyên môi trường mới phát hiện ra những hậu quả nặng nề do công ty gây ra. Như vậy, thời điểm gây thiệt hại xảy ra trong khoảng thời gian cụ thể nhưng những biểu hiện của thiệt hại  phải rất lâu sau mới được phát hiện.

Để khắc phục những bất cập về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần bổ sung thêm những trường hợp đặc thù mà thời hiệu khởi kiện có thể kéo dài hơn theo từng trường hợp cụ thể. Do đó, Điều 607 nên bổ sung như sau:

   “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm trừ trường hợp pháp luật quy định khác.”

 6. Thời hạn hưởng bồi thường do tính mạng, sức khỏe bị xâm hại

Theo quy định tại Điều 612 BLDS, thời hạn hưởng bồi thường do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm được xác định:

1. Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến khi chết.

2. Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau đây:

a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;

b) Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.

Tuy nhiên, căn cứ vào những quy định tại các Điều 609, Điều 612 BLDS và căn cứ vào tiểu mục 1 của Mục II trong Nghị quyết số 03/2006/NQ- HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì còn nhiều vấn đề cần được bàn luận, đề nhằm mục đích hoàn thiện hơn nữa những quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng nói riêng.

– Thứ nhất, pháp luật còn chưa dự liệu trong trường hợp người bị gây thiệt hại về sức khỏe mất hoàn toàn khả năng lao động có nghĩa vụ nuôi dưỡng nuôi con chưa thành niên hoặc cha mẹ già yếu thì quyền và lợi ích của những người này sẽ được giải quyết như thế nào?

– Thứ hai, quy định về thời hạn hưởng bồi thường cho người mất hoàn toàn khả năng lao động và tiền trợ cấp “cho đến khi chết”  theo Khoản 2 Điều 612 còn chưa có tính khả thi. Quy định như trên là chưa tính đến khả năng thực tế của người gây thiệt hại.

Để hoàn thiện các quy định của pháp luật về thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm hại cần bổ sung trách nhiệm bồi thường đối với những người mà người mất hoàn toàn khả năng lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và thời hạn hưởng bồi thường nên giới hạn một khoảng thời gian nhất định. Như vậy mới đảm bảo tính khả thi của pháp luật và cũng đảm bảo được khả năng bồi thường của người gây thiệt hại.

    

Sản Phẩm Liên Quan