Tư vấn Luật về trẻ chưa thành niên

Hỏi:
Chào Luật sư, con trai tôi hiện nay chưa đủ 15 tuổi. Vào tuần trước, con trai tôi có lấy xe máy của tôi đi sang nhà bạn chơi thì gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 1 người. Vậy cho tôi hỏi con trai tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Và sẽ bị xử lý như thế nào?

Tú Tài

Trả lời:
Tôi rất lấy làm tiếc cho trường hợp của con trai bạn. Trong trường hợp trên, tôi đưa ra một số câu trả lời tư vấn cho bạn như sau:
+Về trách nhiệm hình sự:
Hành vi của con trai bạn có thể bị xem xét về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ Theo Điều 202 Bộ luật Hình sự
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
A) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
B) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
C) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
D) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
Đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Theo hướng dẫn tại tiểu mục 4.1 của mụ c 4 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao
… “4. Về các tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự
4.1. Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
A. Làm chết một người;”…
Theo quy định và hướng dẫn trên thì con bạn bị cơ quan chức năng xem xét ở khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự nếu không có dấu hiệu khác như không có giấy phép lái xe, uống rượu say trong khi điều khiển phương tiện giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông….
Tuy nhiên con trai bạn như bạn nói là chưa đủ 15 tuổi, chưa thành niên nên sẽ nhận được một số sự khoan hồng từ quy định của pháp luật, cụ thể:
Theo quy định tại Điều 12 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự của Bộ Luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung 2009 thì:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Đối chiếu với quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 thì: “…3. …; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Nếu con trai bạn chỉ bị xem xét theo khoản 1, Điều 202 Bộ Luật hình sự như trên thì đây chưa phải là tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nên con trai bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+Về xử phạt vi phạm hành chính:
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.”
Do vậy, trong trường hợp trên, vì con trai bạn chưa đủ 15 tuổi nên con trai bạn sẽ không bị xử phạt hành chính nếu các đồng chí cảnh sát đồng ý rằng rằng con bạn chỉ vô ý vi phạm pháp luật giao thông đường bộ .
+Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Vấn đề bồi thường thiệt hại thì chắc chắn gia đình bạn sẽ phải bồi thường.Vì con trai bạn còn chưa đủ 15 tuổi nên thiệt hại do con trai bạn gây ra sẽ do bản thân bố mẹ phải chịu theo quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dân sự Điều 606 của bộ Luật dân sự 2005 quy định về Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này…
Việc bồi thường thiệt hại này sẽ ưu tiên cho gia đình hai bên thỏa thuận với nhau. Theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì thông thường các khoản bồi thường sẽ bao gồm các khoản tiền sau:
+Chi phí cứu chữa, chăm sóc trước khi chết.
+Chi phí mai táng theo phong tục địa phương
+Tiền cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng
+Bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần (không quá 60 tháng lương tối thiểu)…
Và nếu hai bên không thể tự giải quyết được thì sẽ đưa vụ việc ra tòa và việc đền bù thiệt hại sẽ được thực hiện theo phán quyết của Tòa.

— H2O —

Sản Phẩm Liên Quan