THỦ TỤC TÁI THẨM TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
Theo nguyên tắc hai cấp xét xử thì Tái thẩm không được coi là một cấp xét xử. Mà đây chi là một trong những việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không biết được khi Toà án ra bản án, quyết định đó (Điều 304 BLTTDS năm 2004). Việc làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án là sự thay đổi hoàn toàn hoặc tương đối nhiều về nội dung nào đó của bản án hoặc quyết định đó. Nếu những tình tiết mới chỉ có giá trị làm thay đổi một nội dung nào đó không cơ bản của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì chúng không được coi là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Điều 305 BLTTDSđã quy địnhkhá cụ thể về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm như sau:
- Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
- Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
- Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
- Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Toà án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị huỷ bỏ.
Nhưng ta thấy quy định “tình tiết mới” của Điều 304 và khoản 1 Điều 305 BLTTDS năm 2004có gì đó không thống nhất. Bởi lẽ, tình tiết mới được phát hiện phải là những tình tiết biết được sau khi đã có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nếu tình tiết này đã được biết trong quá trình giải quyết vụ án đến trước khi Tòa án ra quyết định hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật không được coi là các tình tiết mới hoặc những tình tiết đã không được Tòa án áp dụng dẫn đến việc ra quyết định hoặc bản án không đúng pháp luật thì đây không phải là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Do đó, trong thực tế đã có nhiều cách hiểu khác nhau về “tình tiết mới” để được áp dụng thủ tục tái thẩm.
Chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định theo Điều 307 BLTTDS gồm: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm kể tự ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được pháp luật quy định (Điều 308 BLTTDS). Với quy định thời hạn kháng nghị một năm thì khó có thể đảm bảo được yêu cầu tiếp cận công lý của các đương sựbởi thời gian như vậy là quá hạn hẹp.
Trong thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện (Điều 306 BLTTDS) thì: Đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 307 BLTTDS; Trong trường hợp phát hiện tình tiết mới của vụ án, Viện kiểm sát, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 307 BLTTDS. Theo đó, Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc qua bưu điện và phải ghi vào sổ đơn nhận đơn. Ngày gửi đơn được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị phải cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Trong trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản cho đương sự biết.
Theo quy định tại Điều 291 vàĐiều 310 BLTTDS thì thẩm quyền tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị thuộc về Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban thẩm phán Tòa án cấp tỉnh.Đối với thủ tục tái thẩm theo quy định tại Điều 294 và Điều 310 BLTTDS thì Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình được gửi cho các thành viên hội đồng tái thẩm trước ngày mở phiên tòa tái thẩm. Việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục tái thẩm được tiến hành chủ yếu dựa vào hồ sơ vụ việc nên những người tham gia tố tụng cũng không buộc phải tham gia phiên tòa. Tòa án chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng và những người khác liên quan khi xét thấy cần thiết cho việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Các thành viên của Hội đồng tái thẩm thảo luận và ra quyết định về vụ án.
Bên cạnh đó, thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm được quy định tại Điều 309 BLTTDS bao gồm:
- Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
- Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định;
- Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.
Quy định tại Điều 309 có thiếu sót là không quy định về quyền của Hội đồng tái thẩm trong việc hủy một phần bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại. Vì trong thực tế có những vụ án có nhiều quan hệ pháp luật thì khả năng Hội đồng tái thẩm cần hủy một phần bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại là hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể trong quy định này sao cho phù hợp.