Chứng cứ và các quy định của pháp luật phần III

Quy định về chứng cứ III – Củng cố chứng cứ:

Để thu thập chứng cứ một cách hiệu quả, thì trong khi thu thập chứng cứ phải đồng thời củng cố chứng cứ. Củng cố chứng cứ là những phương pháp, cách thức làm cho chứng cứ, tài liệu thu thập được bảo đảm giá trị chứng minh. Nói cách khác, củng cố chứng cứ là làm cho chứng cứ, tài liệu bảo đảm ba thuộc tính đó là tính hợp pháp, tính xác thực và tính liên quan đến vụ án. Cách thức, phương pháp thu thập và trình tự thu thập chứng cứ có ảnh hưởng trực tiếp tới độ tin cậy và giá trị chứng minh của chứng cứ. Thực tiễn hoạt động thu thập chứng cứ cho thấy có ba trường hợp cần đặc biệt chú ý là khi thu giữ vật chứng, dấu vết và khi ghi lại một sự việc.
– Thứ nhất: Đối với dấu vết
Khi thu thập phải ghi rõ trong biên bản các nội dung: Dấu vết thu thập là dấu vết gì, vị trí của dấu vết, đặc điểm về màu sắc, chiều hướng, độ cũ, mới của dấu vết. Phải trả lời được những câu hỏi như dấu vết gì? Đặc điểm ra sao? Chiều hướng thế nào? Vị trí ở đâu?
+ Về tên của dấu vết cần ghi rõ đó là dấu vết gì: Vân tay, vết máu, vết cày, vết cạy phá, dấu chân, dấu tay,…Trường hợp khó đặt tên ngắn gọn thì mô tả cụ thể nhưng phải phản ánh được nội dung chủ yếu, cơ bản.
+ Về đặc điểm của dấu vết. Cần mô tả các nội dung hình dáng, kích thước, màu sắc và các đặc điểm khác của dấu vết. Ví dụ trong vụ án tai nạn giao thông, khi Điều tra viên khám nghiệm ghi biên bản phải mô tả đầy đủ các dấu vết trên xe, trên mặt đường, chiều hướng của từng dấu vết, từ trái qua phải hay từ phải qua trái; kích thước của dấu vết, độ dài của dấu vết và vị trí từng dấu vết; để sau này phục vụ tốt cho công tác giám định làm rõ nguyên nhân tai nạn,…
+ Về vị trí của dấu vết, khi mô tả phải xác định các điểm chuẩn xung quanh và trên cơ sở đó mô tả khoảng cách của dấu vết so với các điểm chuẩn theo các hướng và so với các dấu vết khác để từ đó có thể xác định mối liên hệ giữa các dấu vết.
– Thứ hai: Đối với vật chứng
Khi thu thập phải ghi cụ thể trong biên bản các nội dung sau:
+ Vật gì, tên của vật được gọi là gì. Ví dụ con dao, khẩu súng, hay công cụ phương tiện khác, nếu là mô tô xe máy, thì phải ghi rõ biển số, số khung, số máy,…Trường hợp vật chứng không phải là vật thông dụng, khó đặt tên, thì có thể đặt tên dạng mô tả hình dạng, kích thước, màu sắc,…
+ Đặc điểm của vật, tùy từng loại vật mà có cách mô tả cụ thể, nhưng nhìn chung phải thể hiện được các nội dung: Số lượng, chất lượng, trọng lượng, khối lượng, hình dạng kích thước, màu sắc, mùi vị, tính nguyên vẹn và trạng thái mới, cũ của vật. (ví dụ thu giữ ba con dao tại hiện trường, kích thước về độ dài, độ rộng, phần cán, phần lưỡi của từng con dao, dấu vết để lại trên từng con dao.)
+ Những dấu vết của tội phạm để lại trên vật chứng.
Trường hợp trên vật chứng có dấu vết thì phải mô tả dấu vết theo nội dung củng cố dấu vết đã nêu trên. Phải mô tả từng dấu vết, kích thước của dấu vết, màu sắc của dấu vết, chiều hướng của dấu vết,…..
+ Nơi tìm thấy vật: Nơi tìm thấy vật và cách thức giấu vật liên quan chặt chẽ tới giá trị chứng minh của chứng cứ, giá trị pháp lý của chứng cứ, làm nảy sinh căn cứ pháp lý để tiến hành các hoạt động tố tụng khác. Ví dụ: thu giữ dấu vết vật chứng trên người hoặc nơi ở của đối tượng, thì có thể tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng được (Điểm c Khoản 1 Điều 81 BLTTHS), còn thu giữ ở nơi khác, thì căn cứ vào việc thu giữ vật chứng không bắt khẩn cấp đối tượng được.
– Thứ ba: Đối với sự việc, khi cần ghi lại trong biên bản một sự việc cụ thể nào đó, cần phải ghi đầy đủ các nội dung sau:
+ Tên sự việc là gì, vụ chết người, tai nạn giao thông hay vụ cháy, nổ. Việc đặt tên cần phải ngắn gọn, khái quát và phản ánh được nội dung chủ yếu, cơ bản của việc đó.
+ Thời gian xảy ra: Thời gian xảy ra ở đây là thời điểm bắt đầu xảy ra sự việc. Việc ghi nhận thời gian càng chính xác càng tốt. Nếu không biết chính xác, thì cách ghi không được viết theo kiểu khẳng định.
+ Địa điểm xảy ra sự việc: Việc ghi địa điểm xảy ra vụ việc phải cụ thể, vì nếu không ghi sẽ không xác định được thẩm quyền giải quyết vụ việc theo lãnh thổ, bên cạnh đó việc ghi rõ địa điểm sẽ giúp cho quá trình nghiên cứu dễ hình dung quá trình diễn biến của sự việc.
+ Diễn biến của sự việc: Cần phải mô tả đầy đủ và khái quát quá trình diễn biến của sự việc. Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng không dễ thực hiện, đòi hỏi người thu thập chứng cứ phải có đầu óc phân tích, tổng hợp đến ghi diễn biến vụ việc theo thời gian, hay diễn biến vụ việc theo sự kiện, hoặc diễn biến vụ việc theo chủ thể thực hiện,…
+ Hậu quả thiệt hại: Nếu đã xảy ra hậu quả phải ghi rõ thiệt hại về cái gì số lượng, chủng loại, tính chất, mức độ thiệt hại. Hậu quả ở đây không hoàn toàn cùng nghĩa với hậu quả trong cấu thành tội phạm, thông thường đây là những thiệt hại đã xảy ra có thể nhận biết bằng giác quan. Ví dụ: hậu quả là một người chết, ba người bị thương, chứ không xác định được ba người bị thương, mỗi người bao nhiêu phần trăm, việc xác định phần trăm thương tích phải do cơ quan giám định kết luận.
+ Nguyên nhân xảy ra sự việc: Trong thu thập chứng cứ chỉ ghi nguyên nhân trực tiếp, cụ thể đã được xác định chắc chắn, không được nêu ra những nguyên nhân gián tiếp hoặc trừu tượng. Trong trường hợp chưa xác định được thì phải ghi chưa kết luận được nguyên nhân hoặc chưa rõ nguyên nhân.
+ Người biết việc: Trong biên bản chỉ cần ghi lời khai vài ba người biết việc, không nhất thiết phải ghi lời khai của tất cả những người biết việc, nhưng cần thiết phải ghi lại họ tên, địa chỉ của tất cả những người biết việc để có thể tiếp tục củng cố chứng cứ nếu có phát sinh mâu thuẫn trong qúa trình thu thập ban đầu. Khi ghi lời khai của nhân chứng phải ghi rõ lý do họ biết được việc đó và cũng cần chọn lọc ghi lời khai của những nhân chứng trực tiếp chứng kiến vụ việc, nếu không có nhân chứng trực tiếp hoặc có ít nhân chứng trực tiếp thì ghi thêm lời khai của các nhân chứng gián tiếp.

Phát hiện, thu thập chứng cứ là hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm tìm ra và thu giữ những sự kiện chứng minh hoặc những nguồn chứng cứ theo đúng trình tự, thủ tục luật định, để từ đó khai thác những sự kiện chứng minh
Nếu không có thu thập chứng cứ, thì cũng không có kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Điều đó lý giải tại sao vấn đề chứng cứ nói chung và vấn đề thu thập chứng cứ nói riêng luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập pháp mỗi nước khi xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

 

—Sưu tầm: H2O —

 

Sản Phẩm Liên Quan