Quy định của pháp luật về đối chất

 

Quy định của pháp luật về đối chất

                  Đối chất là hoạt động điều tra được áp dụng trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để xác định sự thật.

Điều 138 BLTTHS quy định về đối chất như sau:

“Điều 138. Đối chất

  1. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất.
  2. Nếu có người làm chứng hoặc người bị hại tham gia đối chất thì trước tiên Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải được ghi vào biên bản.
  3. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Khi đã nghe những lời khai trong đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.

Điều tra viên cũng có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải được ghi vào biên bản.

Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai lần trước của họ.

  1. Biên bản đối chất phải lập theo quy định tại các điều 95, 125 và 132 của Bộ luật này.
  2. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy định tại Điều này”.

Từ những quy định này có thể thấy:

– Điều kiện để tiến hành đối chất: việc đối chất có thể được tiến hành trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người như giữa bị can, người bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Đối chất chỉ được tiến hành sau khi đã hỏi cung hoặc lấy lời khai vì sau những hoạt động này mới phát hiện được mâu thuẫn trong lời khai của họ.

– Thẩm quyền tiến hành đối chất: việc đối chất do điều tra viên tiến hành. Trừ trường hợp quy định tại đoạn 3, tiểu mục 14.3, mục 14 Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việ thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “Trong giai đoạn truy tố, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng thì Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất để làm rõ mâu thuẫn đó mà không phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung”. Theo đó, trong trường hợp cần thiết, kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất.

– Thủ tục tiến hành đối chất: khi bắt đầu đối chất, điều tra viên giải thích cho người làm chứng, người bị hại (nếu có) trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối.

Người tiến hành đối chất hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Khi đã nghe những lời khai trong đối chất, người tiến hành đối chất có thể hỏi thêm từng người. Người tiến hành đối chất có thể để cho những người tham gia đối chất tự hỏi lẫn nhau. Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong, người tiến hành đối chất mới được nhắc lại những lời khai trước của họ.

—H2O—

Sản Phẩm Liên Quan