Thẩm quyền của Tòa án trong Dân sự I

  1. THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN CÁC CẤP.

Thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự được quy định tại Chương III của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trong đó quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự bao gồm các vụ án dân sự và vụ việc dân sự như sau:

*Thẩm quyền theo vụ việc:

Theo quy định tại Chương III của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS), thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án bao gồm các tranh chấp, các yêu cầu thuộc các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động như sau:

-Những tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động được quy định lần lượt tại các Điều 26, 28, 30, 32, BLTTDS.

-Những yêu cầu về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động được quy định tại các Điều 27, 29, 31, 33 BLTTDS

*Thẩm quyền theo cấp Tòa án.

1.Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

1.1.Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

+ Tranh chấp về dân sự (Điều 26 BLTTDS 2015)

  1. Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
  2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
  3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
  4. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của BLTTDS 2015
  5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.
  6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
  7. Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.
  8. Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
  9. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.
  10. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
  11. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
  12. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
  13. Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

+Tranh chấp về hôn nhân và gia đình:

  1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
  2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
  3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
  4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
  5. Tranh chấp về cấp dưỡng.
  6. Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
  7. Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.

+Tranh chấp về kinh doanh, thương mại: Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

+Tranh chấp về lao động thuộc các trường hợp tranh chấp:

1.Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

 

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2.Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết.

3. Tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm:

Tranh chấp về học nghề, tập nghề; Tranh chấp về cho thuê lại lao động; Tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn; Tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

4. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp.

1.2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:

+Các yêu cầu về dân sự sau:

  1. Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
  2. Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.
  3. Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.
  4. Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.
  5. Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
  6. Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
  7. Yêu cầu công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam.
  8. Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

+Các yêu cầu về hôn nhân và gia đình như sau:

  1. Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
  2. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
  3. Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
  4. Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
  5. Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
  6. Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
  7. Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
  8. Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
  9. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Cần lưu ý, theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự  2015 thì những tranh chấp, yêu cầu nêu ở trên nếu có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện của  Việt Nam ở nước ngoài thì  không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Trừ trường hợp hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công nhân Việt nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.

1.3 Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện.

  1. Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.
  2. Tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Như vậy, so với BLTTDS 2004 thì thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện được quy định cụ thể hơn khi quy định cụ thể thẩm quyền cho từng Tòa chuyên trách và mở rộng hơn. Sự điều chỉnh này phù hợp với Luật tổ chức Tòa án 2014 và chủ trương cải cách tư pháp, theo đó tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm hầu hết các vụ việc dân sự.

(còn nữa)

Sản Phẩm Liên Quan