Pháp nhân và trách nhiệm hình sự.
Theo Bộ luật hình sự 2015 ban hành ngày 27/11/2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 (Viết tắt là BLHS 2015) đã bổ sung thêm trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và quy định cụ thể vấn đề này tại Chương XI với 17 điều. Theo đó, cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân được quy định tại Điều 75 và dựa trên dấu hiệu hành vi của cá nhân như:
– Hành vi phạm tội đó thực hiện mang danh nghĩa của pháp nhân;
– Hành vi phạm tội mang lại lợi ích cho pháp nhân;
– Hành vi phạm tội thực hiện theo sự chỉ đạo hoặc chấp thuận của pháp nhân;
– Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 75 BLHS 2015 quy định, việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Do vậy, trong vụ án nếu hành vi của cá nhân đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền vẫn tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo như các quy định chung.
Về loại tội mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 76 BLHS bao gồm 31 tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường cụ thể:
– Tội buôn lậu.
– Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
– Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm.
– Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.
– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi.
– Tội đầu cơ.
– Tội trốn thuế.
– Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ.
– Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
– Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán.
– Tội thao túng thị trường chứng khoán.
– Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.
– Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
– Tội vi phạm quy định về cạnh tranh.
– Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
– Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
– Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
– Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
– Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
– Tội gây ô nhiễm môi trường.
– Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.
– Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông.
– Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam.
– Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản.
– Tội huỷ hoại rừng.
– Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
– Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên.
– Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại.
Có thể thấy, những tội phạm mà pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cũng thường là những tội liên quan đến trật tự quản lý kinh tế và môi trường. Đây là những hành vi mà pháp nhân thương mại thường phạm phải cũng như có khả năng phạm phải trong quá trình hoạt động của mình được các nhà làm luật dự liệu trước.
Song song với việc quy định cụ thể những loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, LHS 2015 còn quy định hệ thống hình phạt áp dụng đối với pháp nhân gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung:
+Hình phạt chính bao gồm:
1.Phạt tiền: Luật không quy định mức cao nhất của hình phạt này nhưng mức tiền phạt phải dựa vào mức độ nguy hiểm, tính chất của tội phạm đồng thời có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân phạm tội, sự biến động về giá cả nhưng mức phạt không được thấp hơn 500.000.000 đồng.
2.Đình chỉ hoạt động có thời hạn: Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Thời hạn tạm dừng hoạt động có thể kéo dài từ 06 tháng đến 03 năm tùy mức độ nguy hiểm của tội phạm.
3.Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn: Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
+Hình phạt bổ sung bao gồm:
1.Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định: Trường hợp này được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động là từ 01 năm đến 03 năm.
2.Cấm huy động vốn: Theo quy định tại Điều 82 BLHS 2015, trường hợp này được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội. Thời hạn áp dụng trong trường hợp này là từ 01 đến 03 năm.
3.Phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính.
Như vậy, khi mà tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động thì việc quy định trách nhiệm hình sự cho các pháp nhân thương mại là hoàn toàn hợp lý với thực trạng hiện nay.
—H2O —