Quy định của pháp luật về tạm giữ
Tạm giữ là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự và là một biện pháp cưỡng chế được áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Vì vậy việc áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung, biện pháp tạm giữ nói riêng được pháp luật TTHS quy định chặt chẽ về thẩm quyền, trình tự và thời hạn áp dụng
- Về đối tượng tạm giữ
Khoản 1 Điều 86 BLTTHS quy định: “ Tạm giữ có thể áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã”. Như vậy, việc tạm giữ có thể áp dụng với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang và bắt người đang bị truy nã cũng như đối với phạm tội tự thú hoặc đầu thú. Từ quy định này cho thấy biện pháp tạm giữ có thể được áp dụng với các đối tượng bị bắt khẩn cấp, bắt quả tang, bắt truy nã, người đầu thú, tự thú chứ không bắt buộc. Nói cách khác, sau khi bị bắt trong các trường hợp nêu trên, người bị bắt có thể bị tạm giữ hoặc không bị tạm giữ. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 83 của BLTTHS, tai Khoản 1 Điều 83 quy định: “ Sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, hoặc phạm tội quả tang, cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”. Như vậy, biện pháp tạm giữ là một biện pháp ngăn chặn độc lập, việc áp dụng biện pháp này phải có những căn cứ nhất định chứ không phụ thuộc vào biện pháp bắt. Do đó, biện pháp tạm giữ không phải là biện pháp ngăn chặn bắt buộc phải áp dụng sau khi bắt người.
-Khoản 3 Điều 87 quy định: “ Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ”. Như vậy, sau khi bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, hoặc khi người phạm tội ra đầu thú, tự thú thì họ không thể không bị tạm giữ trong các trường hợp sau đây:
+ Các cơ quan có thẩm quyền xác định được ngay việc bắt khẩn cấp hoặc bắt quả tang đối với họ là không có căn cứ.
+ Ngay sau khi bắt người khẩn cấp hoặc bắt người phạm tội quả tang, ngay sau khi có người ra tự thú, đầu thú các cơ quan có thẩm quyền đã xác định được đầy đủ căn cứ để có thể khởi tố đối với người bị bắt, người tự thú, đầu thú nên đã ra các quyết định khởi tố cần thiết và cũng đã xác định được ngay căn cứ để có thể tạm giam đối với họ nên đã ra lệnh tạm giam với bị can mà không cần tạm giữ.
-Đối với người chưa thành niên phạm tội, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền áp dụng những biện pháp ngăn chặn như thông thường nhưng phải tuân thủ những căn cứ, điều kiện áp dụng một cách chặt chẽ. Điều 303 BLTTHS quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ…nếu có đủ căn cứ nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ…nếu có đủ căn cứ chung nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Theo quy định trên, đối với người chưa thành niên mà phạm tội thì có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trong đó có biện pháp tạm giữ khi có căn cứ chung giống như các căn cứ áp dụng đối với những người đã thành niên. Đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; đối với trường hợp đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, chỉ có thể bị áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ chỉ khi họ phạm tội trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng.
- Về thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
Khoản 2 Điều 86 BLTTHS quy định: “Những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này, Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển có quyền ra quyết định tạm giữ”. Theo quy định này, về thẩm quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp thì có bốn nhóm người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, gồm nhóm người sau đây:
+ Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp (cơ quan điều tra trong công an nhân dân, cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân, cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao… );
+ Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương ; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
+ Người chỉ huy tàu bay, sân bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng;
+ Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển.
Như vậy, những người có quyền ra quyết định tạm giữ không chỉ là những người đại diện của các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn bao gồm cả những người của các cơ quan Nhà nước khác hoặc trong lực lượng vũ trang.
- Về thời hạn tạm giữ
-Theo Điều 87 BLTTHS, thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không được quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng cũng không được quá ba ngày. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người đã bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ được tính vào thời hạn tạm giam (Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam).
-Căn cứ vào các quy định trên và cách tính thời hạn trong TTHS đã quy định khi tính thời hạn theo ngày tháng thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ. Do vậy, dù các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ vào lúc mấy giờ thì thời hạn tạm giữ chỉ hết vào lúc 24 giờ của ngày hết hạn. Bên cạnh đó, việc BLTTHS quy định hai lần có thể gia hạn tạm giữ nhằm bảo đảm sự cần thiết của việc tạm giữ, hạn chế hiện tượng tạm giữ tràn lan, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ.
— H2O —