Tìm hiểu về điều 244 BLHS vi phạm quy định về quản lý , bảo vệ động vật nguy cấp quy hiếm .
Bài làm :
Căn cứ nghị định 06/2019/NĐ-CP. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được quy định, hướng dẫn tại Điều 244 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:
- Người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật quy định tại điểm a khoản này; ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,05 kilôgam đến dưới 01 kilôgam;
c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác;
d) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép từ 03 đến 07 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật lớp thú, của 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác thuộc loài động vật quy định tại điểm c khoản này;
đ) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của các động vật có số lượng dưới mức tối thiểu của các điểm b, c và d khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 07 đến 10 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, lớp bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể lớp khác thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
g) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 đến 11 cá thể thuộc lớp thú, từ 11 đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 đến 20 cá thể động vật thuộc các lớp khác;
h) Từ 01 đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; từ 03 đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, lớp bò sát trở lên hoặc 16 cá thể lớp khác trở lên thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật trở lên thuộc các lớp khác;
c) Từ 03 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; 06 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 BLHS 2015 là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES). Như vậy, đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm này thuộc 03 loại danh mục sau:
(1) Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ (thay thế Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013);
(2) Danh mục nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB;
(3) Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Theo khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cá thể là cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể (ví dụ: cá thể tắc kè đã chết thiếu nội tạng hoặc cá thể hổ đã chết thiếu chân).
Theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP, hướng dẫn bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật là những bộ phận thực hiện chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan…).
Việc hướng dẫn bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật, có ý kiến cho rằng cần hướng dẫn thêm bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống gồm cả những bộ phận cơ thể của động vật khi tách ra khỏi cơ thể của động vật thì động vật đó không chết ngay nhưng làm mất khả năng sinh tồn của động vật dẫn đến động vật đó sẽ chết để bảo đảm công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm được hiệu quả. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thấy rằng, theo quy định tại Điều 244 BLHS thì chính sách xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật giống như đối với cá thể động vật. Như vậy, bộ phận không thể tách rời sự sống phải là những bộ phận mà khi bị lấy đi sẽ làm cá thể động vật đó chết thì mới tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đối với những bộ phận khi tách rời khỏi cá thể động vật mà động vật đó không chết ngay thì xử lý hình sự như đối với sản phẩm của động vật.
Theo khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP thì sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm gồm: Các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật; động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật đã qua chế biến.
Hành vi khách quan của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm bao gồm:
Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I của Công ước CITES gồm các nhóm hành vi sau: Hành vi săn bắt trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi săn bắt động vật nguy cấp, quý, hiếm trong khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc săn bắt trong khu vực cấm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hoặc săn bắt trong thời gian bị cấm, ví dụ như săn bắt vào mùa sinh sản, mùa di cư; Hoặc sử dụng công cụ săn bắt bị cấm như sử dụng vũ khí quân dụng, mũi tên tẩm thuốc độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy sập lớn hoặc các công cụ , phương tiện nguy hiểm khác mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng. Hành vi giết trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm, trừ trường hợp động vật nguy cấp, quý, hiếm đó đe dọa trực tiếp đến tính mạng của con người. Hành vi vận chuyển trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp động vật nguy cấp, quý, hiếm từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào và không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép… mà không nhằm mục đích buôn bán; việc vận chuyển có thể nhằm mục đích thu lợi nhuận hoặc không thu lợi nhuận. Hành vi nuôi trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi cho ăn, chăm sóc động vật nguy cấp, quý, hiếm mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: Nuôi gấu tại trang trại không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; nuôi Rái cá tại gia đình để làm cảnh. Hành vi nhốt trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi giữ động vật trong chuồng, cũi hoặc nơi được chắn kín, hạn chế tự do đi lại, không đảm bảo điều kiện sống bình thường, tự nhiên và an toàn đối với động vật. Hành vi buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi chuyển nhượng mang tính thương mại động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm gồm các nhóm hành vi sau: Hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi lưu giữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, ví dụ như hành vi tàng trữ cá thể Hổ, cá thể rắn Hổ chúa đã cấp đông hoặc đầu Bò tót, tim Hổ, túi mật của Gấu; trứng Vích… Hành vi vận chuyển trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi chuyển dịch trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của 16 động vật nguy cấp, quý, hiếm từ nơi này đến nơi khác mà không với mục đích buôn bán hay sử dụng. Hành vi buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi chuyển nhượng mang tính thương mại cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, ví dụ như đầu Bò tót, tim Hổ, túi mật của Gấu … hoặc sản phẩm có nguồn gốc từ các loài động vật mà không được pháp luật cho phép. Sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm thường được tồn tại dưới hai dạng: Sản phẩm được hình thành một cách tự nhiên, ví dụ như trứng, sữa, tinh dịch; dạng thứ hai là sản phẩm được tạo thành có nguồn gốc nguyên liệu từ động vật nguy cấp, quý, hiếm nhưng đã qua quá trình tác động của con người, ví dụ như gia công đồ thủ công mỹ nghệ từ ngà voi, răng hổ; cao xương động vật, rượu ngâm động vật…
Điều 244 BLHS 2015 đã quy định rõ số lượng, trọng lượng của loài, lớp động vật nguy cấp, quý, hiếm để làm căn cứ xử lý hình sự và phân hóa mức độ phạm tội. Số lượng tối thiểu để xử lý hình sự là:
(a) Đối với động vật, cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép không phân biệt số lượng đều phải bị xử lý hình sự;
(b) Đối với ngà voi có khối lượng từ 02 kg;
(c) Đối với sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam;
(d) Đối với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB và Phụ lục I Công ước CITES thì số lượng từ 03 cá thể là lớp thú, từ 07 cá thể là lớp chim, bò sát và 10 cá thể là động vật lớp khác.
Theo khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướn dẫn “Động vật lớp khác” là động vật nguy cấp, quý, hiếm ngoài lớp thú, lớp chim, lớp bò sát nhưng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước CITES.
Đối với trường hợp dưới mức tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 244 BLHS thì xử lý về hình sự trong hai trường hợp sau:
(a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 244 BLHS mà còn vi phạm.
Theo khoản 9 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 BLHS, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 BLHS 2015.
(b) Đã bị kết án về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Người viết: Đ.Đ.K. Hà Nội, 15/05/2022
(Lưu ý: Các quy định có thể thay đổi theo thời gian)