Quy định pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vẫn còn tồn tại, chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều cặp vợ chồng muốn dược chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bởi vợ chồng có mẫu thuẫn trong quản lý tài chính hoặc nhiều lý do khác. Do đó, trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng có nhu cầu thì có quyền thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng.
Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng như sau:
+ Vợ, chồng tự thỏa thuận phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung;
+ Vợ, chồng yêu cầu Tòa án giải quyết.
Hình thức của thỏa thuận: Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân bắt buộc là văn bản và được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân:
Theo quy định tại Điều 39 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được xác định theo từng trường hợp như sau:
- Trường hợp vợ chồng có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi nhận trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản;
- Trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định;
- Trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực.
Quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
- Sau khi chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân thì tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng , trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
- Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.
- Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ, chồng.
- Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
- Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung.
Hình thức thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản bắt buộc là văn bản và được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Kể từ ngày thỏa thuận chấm dứt hiệu lực việc chia tài sản chung có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 33, Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Phần tài sản đã được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực ciệc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận.
Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu:
Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Việc chia tài sản chung của vợ chồng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
- Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ:
- Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
- Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;
- Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tố chức;
- Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước;
- Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.