Quy định về chứng cứ II – Trình tự, thủ tục và các biện pháp thu thập chứng cứ:
Mỗi một biện pháp thu thập chứng cứ có những điểm đặc thù riêng nên trình tự, thủ tục không giống nhau. Tuy nhiên thủ tục của tất cả các biện pháp thu thập chứng cứ đều có những nội dung, trình tự đó là: 1- Thủ tục ra văn bản áp dụng; 2 – Thủ tục tiến hành thu thập chứng cứ; 3 – Thủ tục lập biên bản.
Từ những quy định của BLTTHS có thể thấy rằng các thủ tục chủ yếu được áp dụng hầu hết trong các biện pháp là:
+ Thủ tục giải thích quyền và nghĩa vụ cho đối tượng bị áp dụng: Thủ tục này được áp dụng trong các biện pháp hỏi cung; lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại; khi tiến hành đối chất, nhận dạng, khám người, khám nơi làm việc, khám chỗ ở, địa điểm.
+ Thủ tục chứng kiến: Theo quy định của BLTTHS năm 2003 trong một số hoạt động tố tụng hình sự phải có sự chứng kiến của người láng giềng, của đại diện chính quyền cấp cơ sở, đại diện cơ quan, tổ chức. Thủ tục này nhằm bảo đảm cho các hoạt động tố tụng được tiến hành đúng luật, khách quan, vô tư; bảo đảm giá trị chứng minh của các tài liệu chứng cứ thu thập được. Thành phần người chứng kiến trong các hoạt động tố tụng được quy định không giống nhau, tùy vào từng trường hợp cụ thể:
Biện pháp khám người, khám xét dấu vết trên thân thể bị can, bị hại, nhân chứng khám nghiệm hiện trường, khám nghiện tử thi, thực nghiệm điều tra, nhận dạng thì người chứng kiến là bất kỳ ai và chỉ cần một người (riêng biện pháp khám người, khám xét dấu vết trên thân thể, thì phải là người cùng giới).
Biện pháp khám chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm đòi hỏi phải có người láng giềng, đại diện chính quyền địa phương (nơi làm việc thì đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc) chứng kiến. Trường hợp vắng chủ nhà thì phải có hai người chứng kiến.
Biện pháp thu giữ thư tín, điện tín bưu phẩm tại bưu điện thì phải có sự chứng kiến của đại diện cơ quan bưu điện.
+ Thủ tục thông báo cho VKS: Được áp dụng trong trường hợp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, theo quy định tại Điều 150, 151 BLTTHS thì trước khi tiến hành phải thông báo cho VKS cùng cấp để VKS cử KSV tham gia kiểm sát các hoạt động này, trong mọi trường hợp đều phải có KSV tham gia. Điều 144 BLTTHS quy định trường hợp thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện phải có sự phê chuẩn trước của VKS cùng cấp trước khi thi hành, trong trường hợp khẩn cấp thì không cần phê chuẩn của VKS, nhưng sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho VKS cùng cấp.
+ Thủ tục lập biên bản: Điều 95 BLTTHS quy định khi tiến hành các hoạt động tố tụng, bắt buộc phải lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất. Trong trường hợp tạm giữ đồ vật, tài liệu thì ngoài biên bản khám xét phải lập biên bản về việc tạm giữ đồ vật, tài liệu. Biên bản này được lập 4 bản một bản được giao cho chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản được gửi cho VKS cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ.
+ Thủ tục ra văn bản áp dụng: Đối với một số biện pháp thu thập chứng cứ luật đòi hỏi thủ tục ra văn bản áp dụng đối với một số trường hợp như biện pháp khám xét: Khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm (theo Điều 141, Điều 142 và Điều 143 BLTTHS), thì khi khám xét phải có lệnh của người có thẩm quyền, khám xét trong thủ tục bình thường thì phải có sự phê chuẩn của VKS cùng cấp trước khi thi hành, trong trường hợp khẩn cấp thì không cần sự phê chuẩn của VKS, nhưng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp. Đối với trường hợp trưng cầu giám định và trường hợp cần phải khai quật tử thi để khám nghiệm, thì cũng phải ra quyết định bằng văn bản trước khi thi hành. Các trường hợp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi chưa chôn cất, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra pháp luật thực định không quy định phải có quyết định.
Ngoài các thủ tục trên còn phải tuân thủ những thủ tục khác như: Không được hỏi cung vào ban đêm (trừ khi không thể trì hoãn); thủ tục tách riêng từng người hỏi cung, lấy lời khai, thủ tục tham dự của người đại diện trong trường hợp người làm chứng dưới 16 tuổi; Thủ tục tham gia tố tụng của người giám hộ trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên…
……