Chuyển án phạt được không?
Hỏi: Thưa Luật sư, Bác của cháu khi lái xe tải vì tránh xe khách nên đã vô tình gây tai nạn giao thông làm một cháu bé thiệt mạng. Sau khi gia đình nạn nhân khởi kiện và tòa án xét xử thì tuyên án Bác cháu 12 tháng tù giam giữ và bồi thường cho gia đình nạn nhân. Hiện nay Bác cháu đang thụ án trong trại giam. Nhưng thưa Luật sư, gia đình Bác cháu rất khó khăn nên khi Bác đi thụ án Bác đã gửi con trai 10 tuổi của Bác cho ông bà nội cũng nghèo khó. Gia đình đơn chiếc, một đứa bé 10 tuổi sống với ông bà nội đã già làm sao có thể tự lo cho mình được. Cháu muốn hỏi luật sư liệu gia đình cháu có thể làm đơn xin chuyển án phạt thành cải tạo không giam giữ cho Bác của cháu để Bác có điều kiện chăm sóc cho con mình và lao động tại địa phương không bị giam giữ được không thưa luật sư?
Trả lời:
Chào cháu, trường hợp của cháu, tôi có ý kiến như sau, tùy theo điều kiện hoàn cảnh thực tế của bác cháu để áp dụng:
1.Làm đơn kháng cáo xin xét xử phúc thẩm theo hướng xin giảm nhẹ hình phạt.
Nếu Tòa án mới xét xử sơ thẩm, còn trong thời hạn kháng cáo (15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án sơ thẩm) thì Bác của cháu có thể gửi đơn kháng cáo xin xét xử phúc thẩm theo hướng xin giảm hình phạt, áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn (cải tạo không giam giữ, án treo). Nếu là án đã có hiệu lực (đã xét xử phúc thẩm hoặc đã hết thời hạn kháng cáo sơ thẩm) thì không kháng cáo xin thay đổi hình phạt được.
2.Xin xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho Bác cháu:
Theo Điều 58 của Bộ luật hình sự:
+Người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù khi có đủ các điều kiện sau đây:
a.Đã chấp hành được một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười hai năm đối với hình phạt tù chung thân;
b.Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thành thật hối cải, tích cực lao động, học tập;
c.không vi phạm chế độ, nội quy của Trại giam, trại tạm giam;
d.Được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục (đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ) hoặc cơ quan thi hành án phạt tù (đối với người đang chấp hành hình phạt tù) đề nghị bằng văn bản xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
+Mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù: Người bị kết án phạt tù từ ba mươi năm trở xuống thì mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến ba năm. Mỗi người có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là một phần hai mức hình phạt đã tuyên hoặc hai mươi năm đối với hình phạt tù chung thân. Mỗi người mỗi năm chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù một lần.
Như vậy, trường hợp của bác cháu nếu đủ điều kiện, có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù tối đa là 6 tháng tù giam.
3.Xin tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật hình sự:
+Người đang chấp hành hình phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù:
1.Bị bệnh nặng;
2.Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nuôi dưới 36 tháng;
3.Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
4.Bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Nếu Bác cháu là lao động duy nhất trong gia đình thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Trân trọng!