Chuyện về Giấy chứng nhận bào chữa

Chuyện về Giấy chứng nhận bào chữa

 

Người bào chữa theo quy định của pháp luật tại Điều 56 Bộ luật tố tụng Hình sự bao gồm: Luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân có kiến thức về pháp luật, có kinh nghiệm hoạt động tố tụng và không thuộc trường hợp những người không được tham gia bào chữa theo quy định của pháp luật. Những người bào chữa này tham gia vào hoạt động tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình trong vụ án. Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Tuy nhiên, để trở thành người bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo, đương sự… của mình thì trước tiên các Luật sư phải nộp Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận bào chữa. Và những vướng mắc trong thủ tục cấp, từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa được cho là “điểm nghẽn” đầu tiên hạn chế quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, cũng như gây cản trở đến quyền hành nghề của luật sư. Đây là một nội dung đáng chú ý, gây nhiều tranh cãi trong hầu hết các hội thảo về Luật Luật sư cũng như còn có nhiều ý kiến trái chiều nhau trong vấn đề này.
Luật sư Trần Mỹ Thoa (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: “Trước đây khi chưa có Luật Luật sư thì không có chuyện luật sư tham gia tố tụng phải xin cấp giấy chứng nhận bào chữa. Thế nhưng kể từ khi có Luật Luật sư lại sinh ra cái giấy này, cái giấy đã hành không biết bao nhiêu luật sư phải khổ sở. Đó là một bước thụt lùi trong hoạt động tố tụng!”. Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) đề xuất bỏ ngay thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa. Ông nói: “Tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa là quyền của mỗi người được Hiến pháp ghi nhận. Tại tòa, các bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa có phải xin phép ai đâu, có ai có quyền cho hay không cho phép đâu. Vậy thì lý do gì nhờ người khác bào chữa lại phải xin phép rồi chờ cấp phép mới được thực hiện”.
Và trên thực tế, đối với nhiều luật sư, thủ tục này đã và đang bị một số cán bộ tố tụng biến thành một rào cản đối với hoạt động hành nghề. Trong nhiều năm qua, các luật sư luôn đau đầu về chuyện bị làm khó ngay từ khâu xin cấp Giấy chứng nhận bào chữa. Bên cạnh đó, có thể thấy thực tế hầu như tất cả các nước trên thế giới không có quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa như ở nước ta.
Tóm lại, các nhà làm luật cần có một cái nhìn sâu rộng hơn và bao quát hơn về vấn đề này. Việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa hiện nay đã chỉ ra rất nhiều các bất cập cũng như vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối thì chắc chắn phải có lí do của nó mà các nhà làm luật cần nhận thấy và sửa đổi, đặc biệt chúng ta cần phải nhanh chóng sửa đổi các quy định về việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa vì nếu cứ kéo dài, giữ nguyên quy định này thì sẽ dẫn đến nhiều bất cập hơn nữa. Điển hình như: Làm mất rất nhiều thời gian và tiền bạc của Luật sư (vì để được cấp giấy chứng nhận người bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo, đương sự… Luật sư phải đi lại nhiều lần gây mất thời gian và tốn kém kinh phí của Luật sư, và điều này sẽ ảnh hưởng tới các Luật sư khi tham gia quá trình tố tụng, đặc biệt là đối với những Luật sư ở xa).

— H2O —

Sản Phẩm Liên Quan