Đăng ký bào chữa trong Bộ luật tố tụng Hình sự.
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 được QH thông qua 27/11/2015 sẽ có hiệu lực ngày 01/07/2016 (gọi tắt là BLTTHS 2015) đã quy định bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa. Thay vào đó, người tham gia công tác bào chữa trong phiên tòa hình sự phải làm thủ tục đăng ký bào chữa trước khi tham gia vào quá trình tố tụng.
Theo quy định tại Điều 78 LTTHS 2015 thì trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ tương ứng với từng loại đối tượng tham gia bào chữa:
-Trong trường hợp là Luật sư: Luật sư xuất trình thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện hoặc của người thân thích của người bị buộc tội.
-Trong trường hợp là người đại diện của người bị buộc tội: Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;
– Trong trường hợp là bào chữa viên nhân dân: Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận;
-Trong trường hợp là trợ giúp viên pháp lý: Trợ giúp viên pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.
Tương tư như vậy, Khoản 3 Điều 78 quy định trong trường hợp chỉ định người bào chữa, khi đăng ký bào chữa thì: i)Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; ii)Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận; iii) Trợ giúp viên pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và nếu đủ điều kiện thì vào sổ đăng ký người bào chữa, đồng thời gửi văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu các giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa trong hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Các trường hợp bị từ chối việc đăng ký bào chữa được quy định tại Khoản 4 Điều 72 và Khoản 5 Điều 78 như sau:
+ Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
+ Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
+Người bị buộc tội thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa từ chối người bào chữa
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 109/2015/QH 13 về việc thi hành BLTTHS 2015, đối với những trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận người bào chữa theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì người bào chữa tiếp tục sử dụng cho đến khi kết thúc việc bào chữa.
Như vậy, việc Quốc hội tiến hành bỏ việc “cấp Giấy chứng nhận người bào chữa” thay bằng quy định về thủ tục “đăng ký bào chữa” đã giúp phần đơn giản hóa thủ tục xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa, tạo điều kiện cho các Luật sư khi thực hiện việc bào chữa cũng như tham gia tố tụng ngay từ lúc nghi can bị bắt.
— H2O —