Hiệu lực của Bộ luật hình sự 2015 về thời gian

Hiệu lực của Bộ luật hình sự 2015 về thời gian

CNL.Lường Văn Thích

Hiệu lực của Bộ luật hình sự theo thời gian được quy định tại Điều 7 Bộ luật hình sự 2015:

“1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.

  1. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
  2. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”

 

Ngày 29 tháng 6 năm 2016 Nghị quyết số 144 /2016/QH13 của Quốc hội được ban hành đã lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 từ ngày 1 tháng 7 năm 2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 2015 có hiệu lực thi hành ( Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018) trừ quy định:

– Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13;

– Áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 tại điểm a khoản này;

Theo Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 thời điểm áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội như sau:

Các trường được áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội từ ngày 09/12/2015(ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố)

– Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 thì có 06 trường hợp được áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015 (ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố).06 trường hợp như sau:

  1. a) Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
  2. b) Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
  3. c) Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự năm 2015, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
  4. d) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính. Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;

đ) Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và các điểm b, c khoản 2 Điều 14 của Bộ luật hình sự năm 2015; nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;

  1. e) Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản này, thì đương nhiên được xóa án tích.

– Ngày 30-6-2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn bổ sung thêm 02 trường hợp áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015, đó là:

+ Người thực hiện hành vi mà theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố định tội và cấu thành tội phạm đó (nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109) và

+ Người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội trừ các tội quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015.

Các trường hợp áp dụng từ ngày 01/07/2016

Các quy định khác có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và được thống kê tại Danh mục kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao áp dụng kể từ ngày 01-7-2016.

Điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13:Các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích;

Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự 2015: “3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”

Việc áp dụng các nội dung có lợi cho người phạm tội theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015(được hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2016/ NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

Có thể tóm tắt như sau:

– Kể từ ngày 09/12/2015 khi xét xử không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội cướp tài sản (Điều 133), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (Điều 157), tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 194), tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194), tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231), tội chống mệnh lệnh (Điều 316) và tội đầu hàng địch (Điều 322) Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12). Đây là những tội có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình theo Bộ luật hình sự 1999 ( sửa đổi, bổ sung 2009) nhưng đến Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ quy định tử hình đối với những tội này. Khi xét xử, trường hợp xét thấy hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng phải xử tử hình thì không xử tử hình mà chuyển sang phạt tù chung thân.

Ví dụ: Một người phạm tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự 1999 ( sửa đổi, bổ sung 2009) mà bây giờ mới xét xử (từ ngày 09/12/2015) sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình, trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì chuyển sang phạt tù chung thân.

– Việc chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ điều kiện theo quy định.

Ví dụ: Trường hợp bị kết án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án tử hình thì sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm

– Không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự 1999 ( sửa đổi, bổ sung 2009) quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự 2015 không quy định là tội phạm.

– Từ ngày 09/12/2015 chỉ áp dụng quy định của Bộ luật hình sự 1999 ( sửa đổi, bổ sung 2009) để xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm thỏa mãn quy định tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự1999 ( sửa đổi, bổ sung 2009) và khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015.

Kể từ ngày Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực, chỉ xử lý hình sự đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi về tội phạm quy định tại Khoản 2 Điều 12 và Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự 2015.

Nghị quyết cũng hướng dẫn về các trường hợp đình chỉ vụ án quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13 và việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này.

 

 

 

Sản Phẩm Liên Quan