Hiệu lực hồi tố trong Hình sự.
Hiệu lực hồi tố của bộ luật hình sự hiện nay thường được hiểu là hiệu lực của một hoặc nhiều quy phạm pháp luật hình sự đối với hành vi được pháp luật hình sự quy định là tội phạm đã thực hiện trước khi quy phạm pháp luật hình sự đó có hiệu lực thi hành.
Hiệu lực hồi tố là một dạng hiệu lực pháp luật của văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật là được coi là tính bắt buộc thi hành của văn bản PBQPPL trong một giai đoạn nhất định, trên một không gian nhất định và với những chủ thể pháp luật nhất định. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, thời điểm bắt đầu có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không được sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, trừ một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, trong những trường hợp cá biệt, có một số trường hợp có thể quy định hiệu lực trở về trước cho văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 79 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
“Điều 79. Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật
Chỉ trong những trường hợp thật cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước.
Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:
a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;
b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn”.
Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự 2003 sửa đổi, bổ sung 2009 đã quy định hiệu lực về thời gian tại Điều 7 như sau:
“1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.”
Như vậy, theo quy định tại Khoản 1, 2 của quy định trên và hướng dẫn điều này tại Thông tư liên tịch 02/2000/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BTP – BCA thì Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành không thừa nhận nguyên tắc hồi tố. Bởi lẽ không một nhà nước nào có thể bắt các chủ thể pháp luật phải chịu trách nhiệm về một hành vi dù là nguy hiểm, mà khi hành vi đó được thực hiện, nó chưa bị cấm. Đây cũng là nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trong hệ thống luật hình sự quốc tế.
Tuy nhiên, nhằm thực hiện nguyên tắc nhân đạo, tại Khoản 3 Điều 7 trên, Luật hình sự Việt Nam cho phép vận dụng nguyên tắc hồi tố trong trường hợp có lợi cho người phạm tội. Đây chỉ là việc vận dụng nguyên tắc này trong một số trường hợp cụ thể được quy định rõ trong Bộ luật hình sự và các văn bản liên quan như Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự, Thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị Quyết này. Việc Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định không cho phép có hiệu lực hồi tố là hợp lý vì nó góp phần tạo nên sự trật tự, đảm bảo sự ổn định và vững chắc của hệ thống pháp luật đối với các chủ thể pháp luật khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Trong việc không cho phép áp dụng hiệu lực hồ tố đó, việc quy định cho vận dụng nguyên tắc hồi tố trong một số trường hợp cụ thể không làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của người phạm tội là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc nhân đạo mà cộng đồng quốc tế khuyến khích.
Tóm lại, Luật hình sự Việt Nam hiện hành không thừa nhân nguyên tắc hồi tố mà chỉ cho phép vận dụng nguyên tắc này trong một số trường hợp cụ thể theo hướng có lợi cho người phạm tội.
— H2O —