mỗi quốc gia có một tư tưởng chính trị, lập pháp khác nhau; có điều kiện và nền tảng kinh tế khác nhau và cũng không có sự giống nhau trong thực tiễn thương mại nên rõ ràng pháp luật điều chỉnh thương mại ở các quốc gia là rất khác biệt. Chính vì điều này mà sử dụng pháp luật quốc gia trong mua bán hàng hoá quốc tế rất dễ dẫn đến xung đột, tranh chấp. Điều này yêu cầu cần có những quy định chung áp dụng cho toàn cầu vượt khỏi ra ranh giới của các quốc gia, chính vì vậy, những điều ước quốc tế ra đời và trở thành một trong những nguồn luật chính điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Cũng nhờ vậy, mà nguồn luật áp dụng của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế cũng rất đa dạng.
Với hợp đồng mua bán hàng hoá trong nước thông thường, chủ thể giao kết sẽ không có quyền chọn nguồn luật áp dụng, buộc phải tuân theo các quy phạm pháp luật điều chỉnh trong nước, thế nhưng ở hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, do có nhiều nguồn luật có thể điều chỉnh như pháp luật quốc gia, điều ước quốc tế hay các tập quán thương mại quốc tế nên chủ thể giao kết có thể lựa chọn nguồn luật áp dụng cho hợp đồng của mình, tuy nhiên cũng có một số lĩnh vực đặc biệt mà chủ thể giao kết không được tự do chọn luật áp dụng, ví dụ như bất động sản phải áp dụng Pháp luật quốc gia để giải quyết tranh chấp. Chính vì vậy, cần phải tìm hiểu thật kỹ càng các vấn đề pháp luật trước khi chọn luật áp dụng rồi mới nên tiến đến ký kết hợp đồng.
2.1. Điều ước quốc tế
Hiện nay, do quá trình mở cửa về thương mại và dần xoá bỏ các rào cản mà các điều ước quốc tế cũng được chú ý và ngày càng có nhiều các quốc gia tham gia hơn. Hai trong số những điều ước nổi bật và quan trọng, cũng như được sử dụng thường xuyên để điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế đó chính là “Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế” (PICC) của Viện thống nhất tư pháp quốc tế (UNIDROIT) và Công ước viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (CISG) của Liên hợp quốc.
2.1.1. PICC – Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế
2.1.1.1. Khái quát
PICC được lập pháp dựa trên sự hài hoà các hệ thống quy định pháp luật của các quốc gia trên thế giới, từ đó tạo ra một sự thống nhất mang tính hợp lí nhất có thể để phục vụ cho việc điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế và giải quyết các vấn đề phát sinh.
PICC được áp dụng trong một số trường hợp như: Khi các bên ký hợp đồng thoả thuận rằng hợp đồng của họ sẽ được PICC điều chỉnh; Khi các bên thoả thuận rằng hợp đồng của họ sẽ được điều chỉnh bằng “những nguyên tắc cơ bản của Luật”, hoặc bằng những nguyên tắc tương tự; khi các bên không lựa chọn luật cụ thể để điều chỉnh hợp đồng.
Ngoài sự phù hợp với hầu hết các quan hệ mua bán hàng hoá quốc tế thì một ưu điểm nổi bật khác của PICC đó là cho phép sự huỷ bỏ, hạn chế hay sửa đổi hiệu lực áp dụng từ bất kỳ điều khoản nào trong PICC. Vì ở PICC, các điều khoản chủ yếu là các điều khoản tuỳ nghi, không mang tính bắt buộc, vậy nên tuỳ từng trường hợp cụ thể các bên có thể linh hoạt thực hiện các thao tác đối với các điều khoản, quy định sao cho phù hợp với quan hệ của mình giao kết nhất. Đây là một trong những yếu tố quyết định khiến cho PICC được áp dụng rất nhiều trong các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Bởi dù có hài hoà, thống nhất các quy định thì từng trường hợp cụ thể chắc chắn sẽ vẫn còn những sự thừa thãi hoặc chưa phù hợp, nên việc cho phép sự linh hoạt này là hoàn toàn hợp lý.
2.1.1.2. Nội dung
Về những quy định chung, PICC có một số nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc tự do hợp đồng, nguyên tắc không bắt buộc về hình thức hợp đồng, nguyên tắc về hiệu lực ràng buộc của hợp đồng, nguyên tắc thiện chí và trung thực.
Về giao kết hợp đồng, một hợp đồng có thể được giao kết bằng việc chấp nhận một chào hàng hoặc bằng hành vi của các bên theo đó đã thể hiện đầy đủ nội dung của sự thoả thuận. PICC cũng quy định một đề nghị được gọi là đề nghị giao kết hợp đồng nếu đủ rõ ràng và thể hiện ý chí của bên đưa ra đề nghị bị ràng buộc khi đề nghị giao kết được chấp nhận.
Về các nguyên tắc hiệu lực hợp đồng, có một số nguyên tắc cơ bản như: Việc hợp đồng không thể thực hiện vào thời điểm giao kết sẽ không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng; việc một bên trong hợp đồng, không có quyền định đoạt tài sản liên quan đến hợp đồng vào thời điểm giao kết hợp đồng, cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng;
Về các nguyên tắc giải thích, hợp đồng phải được giải thích trên cơ sở sự thống nhất ý chí chung và tôn trọng ý chí của các bên trong hợp đồng; những tuyên bố hoặc cách xử sự khác của một bên được giải thích theo đúng ý định của họ dù bên kia biết hay không thể biết trước được ý định ấy; khi giải thích hợp đồng, cần cân nhắc tới các yếu tố liên quan như đàm phán, quy ước và thực tiễn thương mại, hành vi sau khi giao kết …; các điều khoản và cách diễn đạt phải được giải thích theo đúng nghĩa của toàn bộ hợp đồng hoặc tuyên bố họ đã thể hiện hoặc phải bằng một cách giải thích chính thức.
Về nội dung của hợp đồng, các bên không chỉ gói gọn nghĩa vụ trong những điều đã ghi, mà còn có những quy định ngầm hiểu. Các bên phải có trách nhiệm hợp tác với nhau nhằm thực hiện các nghĩa vụ, hạn chế các thiệt hại, vì lợi ích các bên trong hợp đồng. Nghĩa vụ của các bên cũng phải thực hiện với nỗ lực cao nhất nhằm làm căn cứ đánh giá.
2.1.2. CISG – Công ước viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế
2.1.2.1. Khái quát
Công ước viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (CISG) được uỷ ban thương mại của Liên hợp quốc soạn thảo quy định các vấn đề pháp lý cơ bản về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.
Công ước được áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các bên có trụ sở thương mại tại các nước khác nhau, hợp đồng sẽ tự động được áp dụng nếu trụ sở của các bên đóng tại các nước khác nhau là thành viên của công ước hoặc khi nguyên tắc trong tư pháp quốc tế quy định luật được áp dụng là luật của các nước thành viên của Công ước. Ngoài ra, khi áp dụng Pháp luật quốc gia và được dẫn chiếu tới công ước viên thì công ước viên cũng được áp dụng. Trường hợp cuối cùng đó là khi xảy ra tranh chấp phát sinh, cơ quan giải quyết tranh chấp lựa chọn công ước viên để giải quyết.
Công ước không áp dụng cho các trường hợp mua bán hàng hoá dùng cho cá nhân, gia đình, nội trợ; bán đấu giá; mua bán cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán, chứng từ lưu thông tiền tệ; mua bán tàu thuỷ, máy bay, phương tiện vận tỉa bằng khinh khí cầu; mua bán điện năng; các hợp đồng mua bán mà phần chủ yếu là thực hiện các công việc hoặc dịch vụ khác; giải quyết hậu quả về thiệt hại thân thể hoặc việc chết của một người do hàng hoá là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hoá gây ra.