KHÁNG CÁO – NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý:
Theo quy định của pháp luật, một vụ án được xét xử qua hai cấp (2 lần) : sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi xử sơ thẩm, nếu đương sự không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm thì có quyền chống án. Thuật ngữ pháp lý gọi là “kháng cáo”, yêu cầu tòa cấp trên xét xử một lần nữa theo trình tự phúc thẩm.
1.Những người có quyền kháng cáo:
Trong một vụ án, những người có quyền kháng cáo bao gồm[1]:
– Bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ.
– Người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ.
– Người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần.
– Nguyên đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.
– Bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.
– Người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
– Người được Tòa án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.
- Thời hạn kháng cáo[2]:
quy định về thời hạn như sau:
– Đối với những người có mặt tại phiên tòa là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
– Đối với những người vắng mặt tại phiên tòa là 15 ngày kể từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
-Thời hạn kháng cáo quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận quyết định.
– Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính từ ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Nếu đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, thì ngày kháng cáo tính từ ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn.
– Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng.
Trên thực tế, với thời hạn kháng cáo khá ngắn như trên, có nhiều người do chưa nắm rõ vấn đề này, lại không có luật sư nên nhiều người còn không biết thời hạn kháng cáo được tính từ thời điểm nào, nhiều người còn nghĩ rằng phải chờ nhận bản án sơ thẩm thì mới kháng cáo. Hoặc 15 ngày là không tính vào các ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ Nhật), ngày lễ … và vô tình đã làm mất đi quyền kháng cáo của mình. Hoặc cũng có trường hợp vì lý do bất khả kháng nào đó không kịp làm đơn kháng cáo nên nghĩ rằng không còn quyền kháng cáo nữa dù thực tế luật vẫn quy định về trường hợp kháng cáo quá hạn.
3.Kháng cáo quá hạn[3]
Trong những trường hợp không kịp làm đơn kháng cáo vì lý do bất khả kháng, pháp luật có qui định về trường hợp “kháng cáo quá hạn”. Tức là kháng cáo sau khi đã quá thời hạn kháng cáo theo luật định (15 ngày đối với bản án, 7 ngày đối với quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm). Đây là trường hợp đặc biệt, để Tòa xem xét và đánh giá nguyên nhân kháng cáo quá hạn, từ đó sẽ có thể chấp nhận đơn kháng cáo của đương sự – trên nguyên tắc bảo đảm quyền kháng cáo vì những lý do khách quan của đương sự dẫn đến việc phải kháng cáo quá hạn. Khi làm đơn kháng cáo quá hạn, cần lưu ý:
+ Khi kháng cáo quá hạn, ngoài “Đơn kháng cáo” như các trường hợp chung, người kháng cáo còn phải nộp kèm một văn bản trình bày về nguyên nhân dẫn đến việc kháng cáo quá hạn. Theo đó, nếu Bản trình bày đưa ra được những ý kiến, bằng chứng … chứng minh được lý do của việc kháng cáo quá hạn là hợp lý, thì nhiều khả năng đơn kháng cáo sẽ được chấp thuận.
+Vì kháng cáo quá hạn là trường hợp đặc biệt trong tố tụng. Nên thay vì đương nhiên được chấp thuận như trường hợp thông thường, trong trường hợp này, đơn và Bản trình bày về lý do kháng cáo quá hạn sẽ được chuyển lên Tòa án cấp trên. Và ở đây sẽ xem xét việc có chấp nhận về yêu cầu kháng cáo quá hạn hay không chấp nhận yêu cầu này.
+ Kháng cáo là quyền của đương sự trong một vụ án và thời gian kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án đối với đương sự có mặt tại Tòa. Nếu lúc này, đương sự vẫn chưa nhận được bản án sơ thẩm thì cũng không sao, hãy nhớ lại bản án đã tuyên bằng miệng tại Tòa để ghi lại những vấn đề mình không đồng ý hoặc nếu không thể nhớ được chi tiết thì có thể ghi chung chung là “kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm”.
+Nếu Đơn kháng cáo được chấp nhận, Tòa án cấp trên sẽ mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét, giải quyết (và chỉ giải quyết) các vấn đề được đề cập trong đơn kháng cáo. Hay nói cách khác, phiên tòa phúc thẩm là phiên tòa xem xét về đơn kháng cáo chứ không phải là phiên tòa xem xét về yêu cầu khởi kiện như tại phiên tòa sơ thẩm. Do đó, nếu có những vấn đề nào đương sự không đồng ý với quyết định của Tòa thì phải viết rõ trong đơn là kháng cáo phần nào và đề nghị Tòa xem xét lại.
[1] Theo quy định tại Điều 231 Bộ Luật tố tụng hình sự và Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự
[2] Quy định tạo Điều 234, 235 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự
[3] Theo quy định của Điều 235 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, Điều 247 Bộ luật tố tụng dân sự 2004
— H2O —