Những điểm cần lưu ý trong vụ án có người chưa thành niên phạm tội
Người chưa thành niên là một chủ thể đặc biệt trong lĩnh vực hình sự, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định một chương riêng (Chương X) về nguyên tắc xử lý, về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên khi phạm tội.
1. Nguyên tắc:
1.Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
2.Người chưa thành niên có thể được miễn TNHS nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng.
3.Việc truy cứu TNHS người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.
2.Thủ tục tố tụng đối với các vụ án có người chưa thành niên tham gia.
– Xác định chứng cứ về độ tuổi: Độ tuổi của người tham gia tố tụng là người chưa thành niên rất quan trọng. Trong một số trường hợp độ tuổi của bị can, bị cáo quyết định họ có phải chịu TNHS hay không; độ tuổi của người bị hại cũng có thể quyết định đó là tội gì, khung hình phạt nào và đồng thời cũng quyết định thẩm quyền xét xử của Tòa án.
Ví dụ: Người từ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS đối với các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Mọi hành vi giao cấu người dưới 13 tuổi đều là hiếp dâm trẻ em; mua bán người dưới 16 tuổi là mua bán trẻ em…
Chính vì tầm quan trọng này mà độ tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại được tính theo ngày và phải đảm bảo tính chính xác (xem Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2011). Do đó, khi chưa cần có đầy đủ chứng cứ về độ tuổi thì cơ quan truy tố cũng như Tòa án phải yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ. Chỉ trong trường hợp không thể xác định được tuổi, ngày, tháng sinh thì mới phải xác định theo hướng có lợi cho bị cáo theo nguyên tắc suy đoán tuổi…..
– Điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên (Điều 302 BLHS):
“1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên.”
Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2011 quy định về phân công người tiến hành tố tụng. Theo đó, những người được phân công tiến hành tố tụng trong các vụ án này phải là những người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên hoặc người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến người chưa thành niên.
– Khi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử cần phải xác định rõ:
a, Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên;
b, Điều kiện sinh sống và giáo dục;
c, Có hay không có người thành niên xúi giục;
d, Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
… …