Những điểm cần lưu ý trong vụ án có người chưa thành niên phạm tội
(tiếp theo)
– Về việc bắt, tạm giữ, tạm giam:
Nếu có đủ căn cứ quy định tại các Điều 80, 81, 82, 86, 88 và Điều 120 BLHS thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam (Theo Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2011).
– Việc hỏi cung bị can: Điều tra viên, Kiểm sát viên tiến hành việc hỏi cung bị can theo quy định tại Điều 131 BLTTHS. Không được tiến hành hỏi cung vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản hỏi cung. Nghiêm cấm Điều tra viên, Kiểm sát viên bức cung hoặc nhục hình đối với bị can. Nghiêm cấm Điều tra viên, Kiểm sát viên tự mình thêm bớt hoặc sửa chữa lời khai. Nếu có việc bổ sung, sửa chữa thì bị can và Điều tra viên, Kiểm sát viên đều phải ký trong từng trang. Nếu bị can tự viết lời khai thì bị can và Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên cùng phải ký xác nhận tờ khai đó.
Khi hỏi cung có mặt người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can thì Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Tất cả những người tham dự hỏi cung đều phải ký vào biên bản hỏi cung.
Nếu người bào chữa được hỏi bị can thì trong biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi và trả lời của bị can. Và hạn chế đến mức thấp nhất số lần lấy khai của người chưa thành niên ( theo Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2011).
– Về quyền bào chữa: bị can, bị cáo là người chưa thành niên có quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 50 BLTTHS như các bị can, bị cáo khác nói chung, bên cạnh đó do bị can, bị cáo là người chưa thành niên nên Điều 305 BLTTHS quy định về “bào chữa” như sau:
“1. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
2.Trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.”
Điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2011 quy định việc tham gia tố tụng của người bào chữa là bắt buộc trừ trường hợp người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa.
– Về việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức thì Điều 306 BLTTHS quy định: đại diện của gia đình, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động, sinh sống có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án.
Việc hỏi cung, lấy lời khai đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp họ cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Nếu Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý thì đại diện gia đình có thể hỏi người tạm giữ, bị can; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; được đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra ( theo Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2011).
—Nguồn tổng hợp—