Nguyên thủ quốc gia (P.3)

CHẾ ĐỊNH NGUYÊN THỦ QUỐC GIA TRONG HIẾN PHÁP CỦA MỘT SỐ NƯỚC

(Phần 3)

2.Nguyên thủ quốc gia trong chính thể Cộng Hòa

2.1.Đặc điểm chung

Do chính thể cộng hòa cũng có nhiều loại hình khác nhau nên nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hòa cũng có những mô hình khác nhau tương ứng với các loại hình cộng hòa nghị viện, cộng hòa tổng thống, cộng hòa hỗn hợp và cộng hòa xã hội chủ nghĩa.

– Trong mô hình cộng hòa nghị viện , nguyên thủ quốc gia do nghị viện hoặc một hội nghị đặc biệt bầu ra, ví dụ như Cộng hòa liên bang Đức, Tổng thống do Hội nghị liên bang bầu ra, trong đó Hội nghị liên bang bao gồm các nghị sĩ Liên Bang và số lượng cân bằng các đại biểu được bầu từ các nghị viện của tiểu bang trên cơ sở tỷ lệ đại diện.

Nguyên thủ quốc gia là nhân vật tượng trưng cho nhà nước giữ vai trò đại diện quốc gia về đối nội, đối ngoại, chẳng hạn, Điều 79 Hiến pháp Đức năm 1949 ghi nhận: “ Tổng thống Liên bang đại diện Liên bang trong các mối quan hệ quốc tế và nhân danh liên bang ký kết các điều ước quốc tế với nước ngoài. Tổng thống liên bang bổ nhiệm và tiếp nhận đại sứ”.

Trong lĩnh vực hành pháp, nguyên thủ quốc gia không đứng đầu hành pháp , mà chỉ có quyền hành pháp hình thức giống như nguyên thủ quốc gia trong mô hình quân chủ đại nghị, Quyền hành pháp thuộc về chính phủ, chính phủ không chịu trách nhiệm trước nguyên thủ quốc gia. Trong lĩnh vực lập pháp, ở một số nước , nguyên thủ quốc gia có quyền triệu tập các khóa họp của Nghị viện , khai mạc kì họp nghị viện ,ký và công bố luật. Nguyên thủ quốc gia có quyền giải tán thượng viện hay hạ viện. Trong lĩnh vực tư pháp, tổng thống có một số quyền hạn nhất định , chẳng hạn như ở Đức, tổng thống có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm các Thẩm phán liên bang , Nhân danh liên bang công bố lệnh ân xá.

– Trong mô hình cộng hòa tổng thống, nguyên thủ quốc gia do nhân dân bầu ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu nhà nước, đứng đầu cơ quan hành pháp và có quyền hạn rất lớn. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, Tổng thống có quyền chuẩn bị dự án Ngân sách, các dự luật tài chính, ban hành các văn bản thừa hành, tổng thống có quyền tuyên bố các tình trạng khẩn cấp trong cả nước hay từng địa phương, có quyền sử dụng sức mạnh quân đội vì trật tự , tuyên bố chiến tranh và hòa bình, sau đó báo cáo cho Quốc hội, Tổng thống có quyền thành lập chính phủ, bổ nhiệm thành viên chính phủ ( với sự chấp thuận của thượng viện ). Trong lĩnh vực lập pháp, ngoài quyền phủ quyết các đạo luật, Tổng thống có quyền gửi thông điệp đến Quốc hội. Trong lĩnh vực tư pháp, Tổng thống bổ nhiệm các các Thẩm phán Tòa án Liên Bang.

Nhìn chung các nguyên thủ ở chế độ cộng hòa đều do dân trực tiếp bầu ra hoặc do nghị viện bầu và có nhiệm kỳ cụ thể trong một số năm nhất định. Nguyên thủ quốc gia trong chính thể công hòa có nhiều thưc quyền hơn nhất là trong chính thể cộng hòa tổng thống mà Tổng thống vừa nắm vai trò nguyên thủ (đại diên) quốc gia vừa đứng đầu cơ quan hành pháp trực tiếp điều hành hoạt động đất nước.

2.2. Chế định nguyên thủ quốc gia trong Hiến pháp Mỹ

Tổng thống Mỹ có vị trí trung tâm trong bộ máy nhà nước. Vị thế trung tâm của Tổng thống được thể hiện ở các điểm dưới đây:

Thứ nhất, đối với quyền hành pháp: Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu hành pháp. Đây là điểm rất riêng chỉ có ở chế độ cộng hòa Tổng thống. Nếu như ở Anh quốc, nguyên thủ quốc gia là Nữ hoàng, người đứng đầu chính phủ là thủ tướng Anh, thì ở Mỹ Tổng thống cùng lúc đã nắm giữ cả hai vị trí này. Tổng thống là người duy nhất quản lý đất nước và không phải chia sẻ với bất cứ cơ quan nào hay cá nhân nào quyền lực ấy kể cả Phó Tổng thống. Với vị trí là người đứng đầu hành pháp, Tổng thống có toàn quyền trong việc thi hành các chính sách, luật pháp được Quốc hội thông qua trên phạm vi toàn quốc. Tổng thống có quyền bổ nhiệm các quan chức cao cấp của nhánh hành pháp và lãnh đạo hoạt động hành pháp, nội các chỉ đóng vai trò tư vấn cho Tổng thống, còn các bộ trưởng chỉ là những thư ký giúp việc cho Tổng thống ở từng lĩnh vực cụ thể. Tổng thống điều hòa sự phối hợp hoạt động của tất cả các bộ và các cơ quan này nhằm tạo ra sự nhất quán trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Tổng thống Mỹ cũng là tổng tư lệnh quân đội, đồng thời là nhà ngoại giao hàng đầu của quốc gia.

Như vậy, Tổng thống Mỹ vẫn tập trung quyền lực hơn thủ tướng của các nước cộng hòa đại nghị hay quân chủ lập hiến. Ví dụ, thủ tướng Anh khi thực hiện quyền hành pháp phải bàn bạc và cần đến sự nhất trí của nội các, còn ở Mỹ thì mọi vấn đề thuộc thẩm quyền hành pháp trung ương đều nằm trong tay Tổng thống.

Thứ hai, đối với quyền lập pháp: Về nguyên tắc, hành pháp không có quyền lập pháp. Nhưng theo quy định tại  Điều 1 và Điều 2 của Hiến pháp, Tổng thống Mỹ có quyền tác động đến quá trình lập pháp của Quốc hội, từ giai đoạn đầu tiên đến khi dự luật có thể thành luật. Bằng các quyền hạn đó, Tổng thống Mỹ buộc Quốc hội phải lắng nghe ý kiến của Tổng thống và thông thường các gợi ý lập pháp trong các thông điệp mà Tổng thống đưa ra đều được Quốc hội xem xét thảo luận trước. Tổng thống cũng có quyền phủ quyết bất kỳ dự luật nào được Quốc hội thông qua trừ khi có hai phần ba thành viên trong mỗi viện phủ quyết để gạt bỏ sự phủ quyết của Tổng thống. Tổng thống cũng có quyền triệu tập Quốc hội trong những trường hợp khẩn cấp hoặc Tổng thống cũng có thể triệu tập riêng từng viện của Quốc hội. Theo Điều 2 khoản 3 Hiến pháp Mỹ thì trong trường hợp hai viện của Quốc hội bất đồng ý kiến về việc nghỉ khóa họp, Tổng thống sẽ có quyền bãi khóa họp Quốc hội trong thời gian mà Tổng thống cho là thích hợp.

Thứ ba, đối với quyền tư pháp, tất cả các thẩm phán liên bang đều do Tổng thống bổ nhiệm và thượng viện phê chuẩn. Tổng thống còn có quyền ban bố lệnh ân xá hoàn toàn hay có điều kiện cho bất kỳ ai đã bị kết tội vi phạm luật pháp liên bang, quyền ân xá của Tổng thống còn bao hàm cả quyền rút ngắn thời gian chấp hành hình phạt tù và giảm bớt tiền phạt do tòa án áp dụng.

Những quyền hạn to lớn trên đây đã tạo nên một vị thế quan trọng của Tổng thống trong bộ máy nhà nước Mỹ và nổi trội hơn nguyên thủ hay thủ tướng của một số nước. Như vậy ở Mỹ, Tổng thống là trung tâm quyền lực của nhà nước, là nhà chính trị duy nhất được bầu trên phạm vi toàn quốc, đại diện cho toàn thể Hợp chủng quốc cả về đối nội lẫn đối ngoại. Bởi vậy, chức vụ Tổng thống có vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị Mỹ.

Vấn đề đặt ra là tại sao Tổng thống Mỹ lại có thực quyền và quan trọng như vậy? Các nhà khoa học pháp lý đã giải thích vấn đề này dựa vào một số căn cứ sau:

– Tổng thống Mỹ thực quyền bởi vì Tổng thống gắn liền với bộ máy hành pháp, là người đứng đầu bộ máy hành pháp – một trung tâm quyền lực trong một nhà nước gồm quân đội, cảnh sát, và đội ngũ công chức hùng hậu.

– Tổng thống có quyền lực lớn bởi vì quyền lực của ông ta lấy từ nhân dân thông qua con đường bầu cử chứ không phải tự phong hay do thừa kế truyền ngôi và cũng không phải lấy từ Quốc hội như một số nước khác. Chính vì điểm này mà Tổng thống không phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, các thành viên nội các của Tổng thống cũng không phải là thành viên của Quốc hội và cũng không chịu trách nhiệm trước Quốc hội mà chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng thống.

– Xuất phát từ nhận thức của các nhà lập pháp Mỹ về bản tính của hành pháp là phải tập trung quyền, là chế độ thủ trưởng quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Cho nên hành pháp càng ít người càng tốt, càng ít trung gian càng tốt, càng ít nhũng nhiễu càng tốt. Nếu lập pháp là làm luật thì hành pháp là ra lệnh và để ra lệnh thì phải có quyền uy nghĩa là phải có quyền lực.

Sản Phẩm Liên Quan