1.Những doanh nghiệp nào được áp dụng thủ tục phá sản theo luật phá sản. (doanh nghiệp có vốn tư nhân, doanh nghiệp vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn nước ngoài)
Bài viết
Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố phá sản.
Không phải bất cứ tổ chức kinh doanh nào cũng có thể áp dụng thủ tục phá sản.
Theo quy định tại Luật phá sản 2014, đối tượng áp dụng thủ tục phá sản bao gồm: doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xãđược thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, nước ta chủ yếu có 3 loại doanh nghiệp chính: Doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
- Doanh nghiệp
- Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
- Doanh nghiệp gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên – là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 73 Luật doanh nghiệp 2014
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên – là doanh nghiệp, trong đó:
- Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;
- Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật doanh nghiệp 2014;
- Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 52, 53 và 54 của Luật doanh nghiệp 2014.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2014
- Công ty cổ phần– là doanh nghiệp, trong đó:
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật doanh nghiệp 2014.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 110 Luật doanh nghiệp 2014
- Công ty hợp danh – là doanh nghiệp, trong đó:
- Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 172 Luật doanh nghiệp 2014.
- Doanh nghiệp tư nhân – là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014
Việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
Cơ sở pháp lý: Điều 207 Luật danh nghiệp 2014.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:
- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài – là công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam, được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và do các nhà đầu tư nước ngoài tự đứng ra quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.
- Doanh nghiệp có cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài đầu tư góp vốn thành lập, mua vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh hoặc mua cổ phần tại công ty cổ phần.
Cơ sở pháp lý: khoản 17 Điều 3 Luật đầu tư 2014.
Việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
- Doanh nghiêp có vốn đầu tư nhà nước:
- Doanh nghiêp có vốn đầu tư nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014.
- Doanh nghiêp có vốn đầu tư nhà nước bao gồm:
- Doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 2 Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên trong đó Nhà nước sở hữu phần vốn góp hoặc Công ty cổ phần lên trong đó Nhà nước sở hữu phần cổ phần.
Cơ sở pháp lý: khoản 3 Điều 2 Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.
Việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
Cơ sở pháp lý: Điều 207 Luật danh nghiệp 2014.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Hợp tác xã – là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 3Luật hợp tác xã 2012
- Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 3 Luật hợp tác xã 2012
Việc giải quyết phá sản đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản, trừ việc giải quyết tài sản không chia quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật hợp tác xã 2012 được giải quyết theo quy định tại Điều 21 nghị định 193/2013/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 nghị định 107/2017/NĐ-CP.
Như vậy, doanh nghiệp muốn áp dụng thủ tục phá sản phải là một trong những doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã được liệt kê ở trên.