Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh trong tố tụng dân sự
Hoạt động chứng minh bao gồm nhiều hoạt động khác nhau của các chủ thể tố tụng, chi phối kết quả giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án. Trong đó, hoạt động cung cấp, thu thập, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ là chủ yếu và mang tính quyết định.Chứng minh trong tố tụng dân sự có ý nghĩa làm rõ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự, bảo đảm việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự, là biện pháp duy nhất để xác định các sự kiện, tình tiết của vụ việc dân sự.Tuy nhiên, một số tình tiết, sự kiện theo quy định của BLTTDS thì không cần phải chứng minh.
Theo Điều 92 BLTTDS năm 2015 thì những tình tiết, sự kiện sau đây không phải chứng minh trong tố tụng dân sự:
– Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận;
– Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật;
– Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp; trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ tính khách quan của những tình tiết, sự kiện này hoặc tính khách quan của văn bản công chứng, chứng thực thì Thẩm phán có thể yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực xuất trình bản gốc, bản chính.
Theo quy định trên, những tình tiết không phải chứng minh cụ thể như sau:
– Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận.
Mục đích cuối cùng của việc chứng minh là để làm rõ tình tiết, sự kiện liên quan đến vụ việc dân sự. Do đó, nếu sự kiện, tình tiết đã rõ ràng được nhiều người biết đến và được Tòa án thừa nhận thì không cần phải chứng minh. Ví dụ: Các sự kiện thiên tai, thảm họa, đại dịch…
– Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật;
Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án có nghĩa là những tình tiết, sự kiện đó đã được xem xét, đánh giá, chứng minh bằng trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, việc chứng minh lại là không cần thiết vì mất thời gian, công sức, có thể dẫn đến những kết luận khác nhau về tình tiết, sự kiện đó, dẫn đến việc phức tạp trong việc giải quyết vụ việc dân sự, làm giảm uy tín của Tòa án.
– Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Tương tự như những tình tiết, sự kiện trong bản án, quyết định của Tòa án. Những tình tiết, sự kiện được ghi trong văn bản, và được công chứng chứng thực hợp pháp thì không cần phải chứng minh vì những tình tiết, sự kiện đó đã được những người có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ xem xét, đánh giá, có thẩm quyền thực hiện. Do đó, không cần phải chứng minh. Tuy nhiên, việc công chứng, chứng thực phải hợp pháp, nếu không hợp pháp thì phải chứng minh
– Đối với những tình tiết, sự kiện mà đương sự hoặc người đại diện của đương sự bên này thừa nhận hoặc không phản đối thì đương sự bên kia không phải chứng minh.