Quy định của pháp luật về án phí

Quy định của pháp luật về những trường hợp không phải nộp, được miễn toàn bộ hoặc một phần tiền tạm ứng án phí, án phí.

Quy định của pháp luật về án phí.

Quy định của pháp luật về án phí.

 

Để có thể yêu cầu tòa ánthụ lý và giải quyết vụ án dân sự, người khởi kiện phải đáp ứng được các điều kiện để thụ lý vụ án thì đơn khởi kiện mới được thụ lý. Cùng với các điều kiện về chủ thể khởi kiện, về thẩm quyền giải quyết của tòa án, về thời hiệu và điều kiện vụ án chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nào thì một trong các điều kiện quan trọng mà đương sự cần thực hiện đó là người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Theo quy định tại Điều 130 LTTDS 2004 quy định: “Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.” Nếu trong thời hạn này mà người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng án phí thì theo quy định tại Điều 168 LTTDS sđbs 2011 tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện và không thụ lý vụ án; còn đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nếu trong thời hạn quy định trên mà họ không nộp tiền tạm ứng án phí thì yêu cầu của họ sẽ không được tòa án chấp nhận.

Theo đó việc nộp tiền tạm ứng án phí là điều kiện bắt buộc để được thụ lý và giải quyết vụ án. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp người khởi kiện đều bắt buộc phải nộp tạm ứng án phí, án phí. Theo quy định của pháp luật có một số trường hợp người khởi kiện không phải nộp tạm ứng án phí, án phí; được miễn nộp toàn bộ hay một phần án phí trong các trường hợp sau:

  • Trường hợp không phải nộp tạm ứng án phí, án phí:

Theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12và Điều 3 Nghị quyết 01/2012/ NQ-HĐTP thì những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:

+  Người khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

+ Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí bao gồm các cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 3 Điều 162 BLTTDS năm 2004 và hướng dẫn tại mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm của Bộ luật tố tụng dân sự”.

+ Viện Kiểm sát khởi tố vụ án hành chính;

+ Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm;

+ Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm.

  • Những trường hợp được miễn toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí.

Theo quy định tại Điều 11Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 và Điều 4 Nghị quyết 01/2012/ NQ-HĐTP thì những trường hợp sau đây được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí:

+ Người khởi kiện vụ án hành chính là thương binh; bố, mẹ liệt sỹ; người có công với cách mạng.

+ Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;

+ Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh;

+  Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ. Được coi là cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo nếu vào thời điểm Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính thì họ thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ. Ví dụ: Vào thời điểm người có đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự thì họ thuộc diện nghèo theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTG ngày 30-01-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015.

+Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

  • Trường hợp được miễn một phần tiền tạm ứng án phí

Theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 Điều 5 Nghị quyết 01/2012/ NQ-HĐTP thì những trường hợp được miễn một phần tiền tạm ứng án phí là:

Người có khó khăn về kinh, những người này phải là người có quốc tịch Việt Nam hoặc người không có quốc tịch nhưng sinh sống và làm việc ở Việt Nam vào thời điểm Tòa án giải quyết vụ việc dân sựvà phải được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận là họ có khó khăn về kinh tếthì được Tòa án cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí.

Trường hợp Tòa án đã cho người có khó khăn về kinh tế được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí theo quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, nhưng họ vẫn phải chịu toàn bộ án phí, lệ phí khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Tòa án đã cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, nhưng sau đó chứng minh được người được miễn nộp đó không phải là người có khó khăn về kinh tế;

+Theo bản án, quyết định của Tòa án thì họ có tài sản để nộp toàn bộ án phí, lệ phí mà họ phải chịu (họ được chia tài sản chung, được hưởng di sản thừa kế,…).

Khi xem xét và quyết định mức tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án được miễn, thì Tòa án căn cứ khả năng tài chính của người đề nghị được miễn tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án và giá trị tài sản có tranh chấp mà quyết định mức được miễn nhưng không được vượt quá 50% mức tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án mà theo quy định của Pháp lệnh người đó phải nộp.

Trường hợp vụ án có nhiều người phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì cần phân biệt:

+ Người thuộc trường hợp được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì được miễn; người không thuộc trường hợp được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì không được miễn;

+Trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về việc nộp án phí, lệ phí để nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, nếu có người thỏa thuận nộp thay án phí, lệ phí và có đơn đề nghị miễn nộp một phần án phí, lệ phí thì Tòa án chỉ cho miễn nộp một phần án phí, lệ phí mà theo quy định người này phải chịu nếu họ có đủ điều kiện quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh; còn phần án phí, lệ phí mà họ nhận nộp thay cho người khác thì Tòa án không cho miễn nộp.

Lưu ý: Đối với người thuộc trường hợp được miễn nộp một phần hoặc toàn bộ tiền tạm ứng án phí thì để được miễn họ phải làm đơn đề nghị miễn nộp cho tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng từ chứng minh thuộc trường hợp được miễn theo quy định tại Điều 15 và cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 16, 17 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 sẽ xem xét và quyết định.

Sản Phẩm Liên Quan