Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại là một vấn đề quan trọng, thẩm quyền này được quy định từ Điều 17 đến Điều 26 Luật khiếu nại 2011. Trong đó xác định cụ thể người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và giải quyết những loại khiếu nại nào như sau:
1.Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Theo Điều 17 Luật kiếu nại thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
Trong đó, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện gồm có phòng và cơ quan tương đương phòng. Đây là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện và theo quy định của pháp luật; góp phần bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác ở địa phương.
Như vậy, theo quy định của Luật khiếu nại, thủ trưởng các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện cũng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
2.Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Theo quy định tại Điều 18 Luật khiếu nại 2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền:
– Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình;
– Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
3.Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương
Theo quy định tại Điều 19 Luật khiếu nại 2011, Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
4.Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Giám đốc sở và cấp tương đương.
Theo quy định tại Điều 20 Luật kiếu nại 2011 Giám đốc sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp; giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
- Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo quy định tại Điều 21 Luật khiếu nại 2011 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
- Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, thuộc cơ quan ngang bộ.
Theo quy định tại Điều 22 của Luật khiếu nại, Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
7.Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thuộc cơ quan ngang bộ.
Theo quy định tại Điều 23 Luật kiếu nại 2011, Bộ trưởng có thẩm quyền: i)Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp; ii) Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết; iii) Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, ngành đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
Ngoài ra, Bộ trưởng còn có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
8.Về thẩm quyền của Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra các cấp.
Theo quy định tại Điều 24 Luật khiếu nại 2011, Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.
9.Về thẩm quyền của Chánh thanh tra các cấp.
Theo quy định tại Điều 25 Luật kiếu nại, Chánh thanh tra các cấp có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp khi được giao; giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thuộc quyền quản lý trực tiếp của thủ trưởng trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì kiến nghị thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.
10. Về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định tại Điều 26 Luật kiếu nại 2011, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền như sau:
– Lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.
– Xử lý các kiến nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ khi Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị áp dụng các biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm;
– Chỉ đạo, xử lý tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy, việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại là vô cùng quan trọng trong quá trình kiếu nại hành chính. Việc quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại một cách cụ thể sẽ tránh việc đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại cũng như tránh được sự chồng chéo về thẩm quyền từ đó nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại hành chính.
— H2O —