Bàn về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định tại Khoản 2 Điều 104 của Luật Tố tụng hành chính năm 2010, theo đó:
– Thời hạn khởi kiện là 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
– Thời hạn khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại;
– Thời hạn khiếu kiện về danh sách cử tri là 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri.
Trong trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy được thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Nhằm hướng dẫn cụ thể hơn về thời hiệu khởi kiện trong vụ án hành chính, Toà án nhân nhân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán TANDTC và hướng dẫn cụ thể về vấn đề này tại Điều 12. Theo đó:
Để xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp nào là “kể từ ngày nhận được”, trường hợp nào là “kể từ ngày biết được” thì cần căn cứ vào “đối tượng bị tác động trực tiếp” của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và phân biệt như sau:
+Trong trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và là đối tượng được nhận quyết định thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày những người này nhận được quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc (các quyết định hành chính này có thể được nhận bằng hình thức được giao trực tiếp, được nhận qua nhân viên bưu điện, qua chính quyền địa phương hoặc những người khác theo quy định của pháp luật).
+Trong trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải là đối tượng bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và những người này cũng không phải là đối tượng được nhận quyết định, bên cạnh đó những người này trên thực tế không nhận được quyết định hành chính trên thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày những người này biết được quyết định đó.
+ Trong trường hợp hành vi của cơ quan, tổ chức hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là thời điểm hành vi hành chính đó được thực hiện hoặc kể từ ngày được thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện.
+ Trong trường hợp hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình.
Hướng dẫn về các trường hợp được coi là các trường hợp bất khả kháng trong khi xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính, Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP cũng quy định cụ thể như sau:
Thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
1) Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan như thiên tai, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do lỗi của cơ quan nhà nước làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu khởi kiện;
2) Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
3) Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì những người này mất quyền khởi kiện trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng.