Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
Tội danh và mức hình phạt của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 và sửa đổi năm 2017.
Trước tiên mình cần hiểu sản xuất, buôn bán hàng giả là gì?.
Hàng giả có thể hiểu một cách nôm na là không phải hàng thật nhưng lại được sản xuất, đóng gói bao bì ra giống như hàng thật với cùng mục đích sử dụng như nhau:
Ví dụ như này: bột giặt Ô mô hay quảng cáo trên ti vi đó là bột giặt thật do một công ty tạo ra, sản xuất ra theo công thức thành phần nhất định có thể được ghi đầy đủ trên bao bì. Vì thấy hàng bột giặt ô mô này nhiều người mua, anh A nào đó tạo ra (hoặc lên chợ mua về) một loại bột nhìn giống như bột giặt ô mô và đóng trong bao bì, gói mà bên ngoài hình ảnh mầu sắc nhìn cũng giống bột giặt ô mô đang quảng cáo trên ti vi, để bán cho người dân thì anh A đã có hành vi sản xuất hàng giả là bột giặt Ô mô. Các mặt hàng giả khác cũng tương tự vậy.
Tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là được ghép liền 2 hành vi: sản xuất và buôn bán, do đó 01 người có thể vừa sản xuất vừa buôn bán, hoặc có 1 hành vi sản xuất, hoặc 1 hành vi buôn bán (mua vào rồi bán ra) đều cấu thành tội này. Ví dụ trên anh A sản xuất hàng giả: Anh B biết là anh A làm hàng giả mà vẫn mua về bán lại kiếm lời, biết rõ mua hàng của anh A rẻ hơn mua hàng chính hãng công ty nhưng bán kiếm lời cao hơn hoặc rễ bán hơn do giá bán rẻ hơn thì anh B này phạm tội “buôn bán hàng giả”.
Có trường hợp người bán hàng mà không biết hàng mình bán là hàng giả?. Có thể có trong trường hợp anh B là người buôn bán lưu động lấy hàng của anh A, anh B biết anh A sản xuất hàng giả, mang hàng này bán cho các cửa hàng nhỏ lẻ dọc trên các trục đường. Anh B không nói và các đại lý cửa hàng ven đường này khi nhập hàng không biết đó là hàng giả. Điều luật chỉ quy định là người nào “ buôn bán hàng giả” không nói là người nào “biết là hàng giả mà vẫn buôn bán”, nếu quy định như này thì loại trừ trách nhiệm cho người buôn bán mà không biết đó là hàng giả, nhưng vì không quy định như vậy do đó các cửa hàng này buộc phải biết, phải có cách kiểm tra để hạn chế việc vô ý bị buôn bán hàng giả. Cách để kiểm tra là: xem sản phẩm mình nhập vào trên bao bì sẽ ghi tên đơn vị sản xuất, tốt nhất mình nhập hàng từ trực tiếp đơn vị sản xuất ra sản phẩm đó như vậy nguy cơ bị hàng giả sẽ là thấp nhất. Nếu nhập gián tiếp từ bên thứ 3 không phải nhà sản xuất thì kiểm tra xem bên cung cấp hàng cho mình họ có hợp đồng phân phối, đại lý với nhà sản xuất không. Trường hợp mình vô tình bán hàng giả, mình không biết là mình đang phạm pháp mặt khác khách hàng của mình mua phải hàng giả về dùng thường cũng không có công dụng như hàng thật. Như ví dụ trên bột giặt ô mô thật thì giặt quần áo sạch, nhưng bột giặt ô mô giả thì giặt quần áo không sạch vậy khách hàng biết sẽ không quay lại mua hàng của mình nữa.
Đối với những mặt hàng đặc biệt như: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh thì mức độ nghiêm trọng của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là cao hơn nên mức hình phạt cũng nặng hơn.
Dưới đây là trích dẫn điều 192. tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định của BLHS năm 2015 và nội dung đã được sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ 01/01/2018
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
- Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Có tính chất chuyên nghiệp;
- c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- g) Làm chết người;
- h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
- l) Buôn bán qua biên giới;
- m) Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
- c) Làm chết 02 người trở lên;
- d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”;
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
- a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
- b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;”.
- c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
- d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.