- Tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 về Tội trộm cắp tài sản như sau:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng (2 triệu) đến dưới năm mươi triệu đồng (dưới 50 triệu) hoặc dưới hai triệu đồng (dưới 2 triệu) nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm (3 năm) hoặc phạt tù từ sáu (6) tháng đến ba (3) năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai (2) nămđến bảy (7) năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Có tính chất chuyên nghiệp;
- c) Tái phạm nguy hiểm;
- d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
- e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
- g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy (7) nămđến mười lăm (15) năm:
- a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
- b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai (12) nămđến hai mươi (20) nămhoặc tù chung thân:
- a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
- b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm (5) triệu đồng đến năm mươi (50) triệu đồng.”
- Bình Luận về Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Thứ nhất: các yếu tố cấu thành Tội trộm cắp tài sản:
*) Về chủ thể: bất cứ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cần lưu ý: đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 138 BLHS, vì ở khoản 1 Điều 138 BLHS là tội ít nghiêm trọng, khoản 2 Điều 138 BLHS là tội nghiêm trọng, mà theo quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội trộm cắp tài sản cần chú ý đến độ tuổi của người phạm tội và các tình tiết định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 khoản 4 Điều 138 BLHS thì chỉ cần xác định người phạm tội đủ 14 tuổi là đã phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 138 BLHS thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
*) Về khách thể: Hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
*) Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
*) Về mặt khách quan: Cũng tương tự như tội cướp giật tài sản và tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, điều văn của điều luật không mô tả hành vi trộm cắp tài sản được thực hiện như thế nào, nhưng căn cứ vào lý luận và thực tiến xét xử thì trộm cắp tài sản là:
– Hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Hành vi này được thực hiện bằng hình thức lén lút (bí mật), với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết, lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc của người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Việc lén lút, bí mật là nhằm để che giấu hành vi phạm tội để chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết việc chiếm đoạt đó. Việc che giấu hành vi phạm tội có thể được thực hiện dưới những hình thức khác nhau, cụ thể như:
+) Che giấu toàn bộ: ở trường hợp này chủ sở hữu tài sản hay người quản lý tài sản không biết được bất cứ thông tin nào về người phạm tôi cũng như hành vi phạm tội. (vd: lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, lẻn vào nhà để lấy đồ…)
+) Che giấu một phần hành vi phạm tội: tức là che giấu riêng hành vi phạm tội. (vd: giả làm người đưa thư rồi nhân lúc người nhà không để ý đã lấy trộm điện thoại di động để trên bàn). Ở trường hợp này chủ sở hữu biết rõ người phạm tội nhưng không biết rõ hành vi phạm tội.
+) Che giấu tính chất của hành vi phạm tội: được hiểu là hành vi phạm tội được diễn ra một cách công khai nhưng không ai biết được việc phạm tội.(vd: lợi dụng đám cưới đông người, người giữ xe tưởng là bạn bè của cô dâu chú rể nên đã để cho kẻ phạm tội tự do dắt xe ra ngoài phạm vi mình quản lý).
– Giá trị tài sản chiếm đoạt: giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu giá trị tài sản dưới hai triệu đồng thì phải thuộc các trường hợp: Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản (như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội cướp tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản…) nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì ngưòi thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Tuy nhiên, đối với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn như ôtô, xe máy, máy tính xách tay, đồng hồ đắt tiền hoặc tài sản khác có giá trị hàng chục triệu đồng trở lên, thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội trộm cắp tài sản, nhưng là phạm tội trong trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Thứ hai: về hình phạt.
Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành năm khung, cụ thể như sau:
– Khung một (khoản 1)
Có mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan.
– Khung hai (khoản 2)
Có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Được áp dụng đối vối một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
+) Có tổ chức: cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, trộm cắp tài sản có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ trộm cắp tài sản có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội trộm cắp tài sản có tổ chức cũng có những đắc điểm riêng như:
Người thực hành trong vụ trộm cắp tài sản là người trực tiếp thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Thực tiễn xét xử có những trường hợp dễ nhầm lẫn giữa người giúp sức với người thực hành. Ví dụ: A là thủ kho thông đồng với B về việc trộm cắp tài sản trong kho do A quản lý. Chúng thống nhất kế hoạch, A giả vờ quên khoá kho để B vào kho lấy tài sản. Trong trường hợp này A không phải là người thực hành mà chỉ là người giúp sức.
+) Có tính chất chuyên nghiệp: tức là người phạm tội lấy việc trộm cắp tài sản là phương tiện sinh sống chính của mình. Nói chung, trộm cắp tài sản có tính chất chuyên nghiệp thường được thực hiện có tổ chức. Tuy nhiên cũng có trường hợp chỉ một hoặc hai người chuyên trộm cắp tài sản nhưng chỉ là trường hợp đồng phạm thông thường.
+) Tái phạm nguy hiểm: Trường hợp phạm tội này lại hoàn toàn giống với tất cả những trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, chỉ cần xác định người phạm tội có đủ các dấu hiệu quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự. Đây là tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội, không phụ thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể của tội phạm này hay tội phạm khác.
+) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm: là người phạm tội có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người bị hại và những người khác khó lường trước để đề phòng hoặc có những thủ đoạn gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như: Dùng hoá chất hoặc thuốc trừ sâu, diệt chuột đổ xuống ao, hồ để bắt trộm cá chết nổi gây ô nhiễm nguồn nước sạch gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của nhiều người.
+) Hành hung để tẩu thoát: là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát (điểm 6.1 Khoản 6 Mục I Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP). Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.
+) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
+) Gây hậu quả nghiêm trọng: trường hợp do hành vi phạm tội trộm cắp tài sản nên đã gây ra những thiệt hại khác ngoài những thiệt hại đã được quy định là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt. Những thiệt hại này gọi chung là “hậu quả nghiêm trọng”. Trường hợp này được hướng dẫn tại khoản 3 Mục I Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP.
– Khung ba (khoản 3): Có mức phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Được áp dụng đối vói một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
+) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
+) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
– Khung bốn (khoản 4): Có mức phạt tù từ mười hai (12) năm đến hai mươi (20) năm hoặc tù chung thân. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau:
+) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
+) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
– Hình phạt bổ sung (khoản 5)
Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.