Phá sản là tình trạng của hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 4 Luật phá sản 2014.
Thủ tục phá sản phải tuân thủ đúng theo trình tự sau:
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản
Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu phá sản bao gồm:
– Chủ nợ.
– Người lao động.
– Đại diện công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.
– Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
– Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã.
Cơ sở pháp lý:
Lưu ý: Khi nộp đơn yêu cầu phá sản, người yêu cầu gửi đơn yêu cầu kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
- a) Nộp trực tiếp tại Tòa án.
- b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính.
- c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Cơ sở pháp lý: Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Điều 16 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP.
Bước 2. Tòa án xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
- Phân công Thẩm phấn giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Cơ sở pháp lý: Điều 31 Luật phá sản 2014, Điều 2,5,7 Thông tư 01/2015/TT-CA ngày 08/10/2015.
- Xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau:
- a) Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.
- b) Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 hoặc Điều 29 của Luật phá sản2014 thì Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn.
- c) Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác.
- d) Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
Cơ sở pháp lý: Điều 32, 39 Luật phá sản 2014.
Bước 3: Mở thủ tục phá sản
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản trừ trường hợp hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Xác định giá trị nghĩa vụ về tài sản và các biện pháp bảo toàn tài sản.
Cơ sở pháp lý: Điều 42, 45, 51,52, 105 Luật phá sản 2014.
Bước 4: Triệu tập Hội nghị chủ nợ
Hội nghị chủ nợ được coi là tiến hành hợp lệ nếu có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Nếu không đáp ứng đủ điều kiện, hội nghị chủ nợ sẽ bị hoãn.Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoãn Hội nghị chủ nợ lần 1, Thẩm phán sẽ triệu tập hội nghị chủ nợ lần 2.
Trường hợp triệu tập lại Hội nghị chủ nợ lần 2 vẫn không đáp ứng quy định, Thẩm phán lập biên bản và quyết định tuyên bố phá sản.
Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra Nghị quyết trong đó có một trong các kết luận sau:
– Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản;
– Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với hợp tác xã;
– Đề nghị tuyên bố phá sản hợp tác xã.
Cơ sở pháp lý: Điều 79, 80, 83 Luật phá sản 2014.
Bước 5: Phục hồi Hợp tác xã
Hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh chậm nhất 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.
Phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải nêu rõ các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ.
Hời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của hợp tác xã theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ (nếu không xác định được thì không quá 03 năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi).
Trong quá trình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, các chủ nợ và, hợp tác xã có quyền thoả thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Bước 6: Ra quyết định tuyên bố hợp tác xã bị phá sản
Trường hợp Hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng hợp tác xã vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố hợp tác xã phá sản.
Cơ sở pháp lý: điểm a,b khoản 1 Điều 95, khoản 2 Điều 96 Luật phá sản 2014.