Tình bạn giữa Các Mác và Eng -ghen

Tình bạn giữa Các Mác và Eng -ghen

 

Ăng – Ghen sinh ngày 28/11/1820 tại thành phố Bác-men, tỉnh Ranh (nước Đức), trong một gia đình tư sản sùng tín tôn giáo. Từ một học sinh đầy thơ mộng, một chàng trai giàu lòng nhân đạo, nồng nhiệt yêu tự do, ông đã dùng thi ca làm vũ khí biểu lộ sự đồng tình với nhân dân và khát vọng tương lai. Tốt nghiệp tú tài, Ăngghen vâng lời cha thôi học, theo nghề kinh doanh thương mại. Những quan sát xã hội và hoạt động thực tiễn đã làm chuyển biến thế giới quan và tư duy chính trị của ông. Từ con đường tự học, học trong sách báo, trong các câu lạc bộ bác học, trong tổng kết thực tiễn và trong sự phẫn nộ với xã hội đương thời, Ăngghen đã trở thành một nhà bác học. Trên con đường học tập và nghiên cứu, Ăng – Ghen đã gặp Các Mác một cách gián tiếp thông qua đọc các tác phẩm của Các Mác. Dần dần từ việc nghiên cứu triết học, kinh tế – chính trị học, hai ông đã tìm đến nhau rồi trở thành những người đồng chí – những người sáng lập nên một học thuyết cách mạng thời đại.

Các Mác sinh ngày 15/5/1818 ở thành phố Tơ-ri-a thuộc tỉnh Ranh (nước Đức) trong một gia đình trí thức (cha ông là luật sư). Từ nhỏ ông đã được giáo dục và hun đúc trong tinh thần khai sáng của chủ nghĩa tự do, nhân đạo và lý tính. Ông tốt nghiệp tú tài rồi vào học khoa Luật tại trường Đại học Tổng hợp Bon, sau chuyển sang học trường Đại học Béc-lin, một trung tâm nghiên cứu về triết học. Các Mác đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ triết học, rồi vừa nghiên cứu vừa tổng kết thực tiễn, ông cùng với Ăng – Ghen sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Hai con người xa lạ, từ những hoàn cảnh xuất thân, môi trường giáo dục và quá trình đào tạo rất khác nhau đã trở thành hai người đồng chí rồi sau trở thành hai người bạn, một tình bạn vĩ đại và cảm động, gắn quyện tình đồng chí sắt son chung thuỷ tới mức mà sau khi Các Mác qua đời Ăng – Ghen đã đề xuất rằng những công trình sáng tạo riêng cũng như những công trình hợp tác chung của hai người nên lấy tên là học thuyết Các Mác.

Lần hợp tác lý luận đầu tiên giữa Các Mác và Ăng – Ghen là tháng 8/1844 ở Paris. Không giống như một lần gặp mặt trước đó diễn ra rất lạnh nhạt, lần này thì hoàn toàn khác vì đã đọc của nhau một cách rất cẩn trọng nên đã yêu nhau vì nết, trọng nhau vì tài. Sau này, Ăng – Ghen đã kể lại rằng: “Vào mùa hạ năm 1844, khi tôi đến thăm Các Mác ở Paris, chúng tôi thấy mình hoàn toàn nhất trí với nhau về tất cả các vấn đề lý luận và chính từ lúc đó, chúng tôi bắt đầu cộng tác với nhau”. Cuộc gặp gỡ ở Paris không những đã xây dựng tình bạn của hai ông vì mục tiêu chung mà bằng công việc của mình, các ông đã hỗ trợ nhau rất nhiều khiến thiên tài và trí tuệ của mỗi người bổ sung cho nhau một cách kỳ diệu. Do đó, ý nghĩa cuộc gặp gỡ ở Paris là ở chỗ: một mặt, đối với sự ra đời của lý luận cách mạng của giai cấp công nhân, nó mang ý nghĩa đáp ứng nhu cầu của thời đại. Tiếp đó, cuộc gặp mặt là khởi nguồn cho sự ra đời “đứa con tinh thần” của hai người là cuốn sách “Gia đình thần thánh”.

Tháng 2/1845 vì bị Chính phủ Pháp trục xuất nên Các Mác cùng gia đình đã phải tới Brúc-xen (Bỉ). Tháng 4 năm ấy, Ăng – Ghen cũng phải rời quê hương sang cư trú tại đây.

Lần gặp gỡ này đánh dấu việc xây dựng nên một học thuyết vĩ đại hoàn chỉnh: chủ nghĩa duy vật lịch sử. “Đứa con” xuất sắc mở đầu cho sự hợp tác lần này là tác phẩm Hệ tư tưởng Đức. Trước khi đến Brúc-xen, Ăng – Ghen đã cho ra mắt tác phẩm của riêng là Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh. Khi Các Mác bị trục xuất sang Brúc-xen, đời sống rất khó khăn thiếu thốn, Ăng – Ghen đã chuyển toàn bộ số tiền nhuận bút của cuốn sách nói trên để giúp đỡ Các Mác. Từ đây, trên con đường nghiên cứu khoa học và hoạt động đấu tranh cho sự ra đời và thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản khoa học cả trên bình diện lý luận, tư tường lẫn trong đời sống chính trị, Ăng – Ghen đã luôn là người bạn, người đồng chí chung thuỷ, sát cánh bên cạnh Các Mác, chia bùi sẻ ngọt, đồng cam cộng khổ với Các Mác, bảo vệ và tôn trọng Các Mác và ngay cả sau khi ông qua đời.

Suốt cuộc đời Các Mác đã được Ăng – Ghen hy sinh, giúp đỡ cho cả gia đình ông về vật chất cũng như tinh thần. Nếu không có sự giúp đỡ hết lòng của Ăng – Ghen thì Các Mác khó có điều kiện vật chất để hoàn thành những tác phẩm đồ sộ của mình. Ăng – Ghen còn giúp đỡ Các Mác rất nhiều về mặt khoa học. Chính Các Mác trước khi cho xuất bản bộ Tư bản tập I đã bày tỏ sự chân thành với Ăng – Ghen, đề nghị ông đứng tên với tư cách đồng tác giả nhưng Ăng – Ghen đã khiêm nhường từ chối. Ngay cả những tác phẩm hai người cùng trực tiếp viết, Ăng – Ghen bao giờ cũng nhún nhường tuyên bố: tư tưởng chủ đạo của các tác phẩm ấy hoàn toàn là của bạn ông Các Mác.

Sau khi Các Mác qua đời, Ăng – Ghen là người duy nhất có quyền công bố những tác phẩm của Các Mác (kể cả những tác phẩm chưa xuất bản) nhưng cho đến trước khi trút hơi thở cuối cùng Ăng – Ghen vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng: công lao sáng lập ra triết học và khoa kinh tế chính trị học Mácxit chủ yếu thuộc về Các Mác. Không những thế, ông còn viết tiếp một số tác phẩm để bổ sung làm sáng tỏ cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử (như cuốn Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước…) với một lời thành kính rằng: “Viết là để thực hiện di chúc của người quá cố”.

Nhìn vào toàn bộ kho tàng lý luận đồ sộ của chủ nghĩa Mác, ai cũng thấy rõ sự đồng sáng tạo của Các Mác và Ăng – Ghen, nhưng bao giờ Ăng – Ghen cũng khẳng định Các Mác là một thiên tài, còn ông may lắm thì chỉ là một người có tài; rằng ông chỉ là một cây vĩ cầm bé nhỏ bên cạnh Các Mác.

Các Mác và Ăng – Ghen không những để lại cho nhân loại một khối lượng tri thức khoa học khổng lồ mà các ông còn để lại cho chúng ta một tấm gương về nhân cách ngàn năm sáng chói. Kỷ niệm lần thứ 192 ngày sinh của Ăng – Ghen vĩ đại, chúng ta tự hào vì đã và đang tiếp bước các ông đấu tranh cho một thế giới công bằng, nhân ái, tự do, hạnh phúc như lý tưởng và hoài bão của Ăng – Ghen và Các Mác.

Sản Phẩm Liên Quan