Án xưa – Thảm án Lệ Chi Viên

         Án xưa – Thảm án Lệ Chi Viên

         Nguyễn Trãi (1380-1442) là nhà chính trị, quân sự, nhà thơ, nhà văn hóa, danh nhân văn hóa thế giới, người anh hùng dân tộc mà tên tuổi ông gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, quân sư cho vua Lê Thái Tổ, người được sử sách ghi nhận “…ngòi bút có sức mạnh như mười vạn quân…”. Tuy nhiên, tên tuổi ông cũng gắn liền với một trong những án oan nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam với kết cục bi thảm của dòng họ ông: Thảm án Lệ Chi Viên.

          Sau khi giành lại được độc lập, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Lê Thái Tổ. Nguyễn Trãi hăm hở xây dựng đất nước về mọi mặt. Tuy nhiên, do nghe lời gièm pha, Lê Thái Tổ không còn tin tưởng trọng dụng Nguyễn Trãi. Ông đã từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn- nơi trước đây ông ngoại Trần Nguyên Đán từng ẩn dật. Sau khi Thái Tổ mất, Thái tử Lê Nguyên Long lên nối ngôi, hiệu là Lê Thái Tông có mời Nguyễn Trãi ra làm quan.

Ngày 27 tháng 7 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1442) vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn (nơi ở của Nguyễn Trãi). Ngày 4 tháng 8 (âm lịch)  vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định. Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ  – một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40 được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sự  xinh đẹp, có tài văn chương, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà, lúc này vua mới 20 tuổi. Các quan bí mật đưa về, nửa đêm vào đến cung mới phát tang. Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị khép án tru di tam tộc (chém đầu ba họ: họ cha, họ mẹ, họ vợ) và bị giết ngày 16 tháng 8 (âm lịch) năm này.

          Sau bao nhiêu biến cố lịch sử của vương triều Lê, đến tháng 7 (âm lịch) năm Giáp Thân (1464), vua Lê Thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá, cho sưu tầm lại thơ văn ông và bổ dụng người con còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ. Nguyễn Trãi là người có tài năng nhiều mặt, được Vua Lê Thánh Tông ca ngợi: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (lòng Ức Trai tiên sinh- tức Nguyễn Trãi, sáng tựa sao khuê).

          Từ thảm án này, đặt ra câu hỏi: Thời nay liệu nghi can có bị điều tra và xét xử như vậy?

         Theo quy định hiện nay tại Bộ luật Tố tụng hình sự, khi một người chết, cơ quan điều tra phải tiến hành các công việc theo đúng trình tự pháp luật quy định. Đồng thời, để buộc tội một cá nhân về hành vi giết người, Tòa án phải có đầy đủ chứng cứ chứng minh người đó có hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phù hợp với các tình tiết của vụ án theo các cấu thành tội phạm các tội có thể liên quan tại Bộ luật Hình sự. Một nguyên tắc quan trọng của pháp luật tố tụng hình sự mà chúng tôi muốn đề cập đến ở đây đó là nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân. Nguyên tắc suy đoán vô tội được hiểu là một người không được coi là có tội khi Tòa án không chứng minh được hành vi phạm tội của người đó dưới dạng một Bản án, quyết định tuyên bố người đó là có tội. Nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân được hiểu “ai làm người đó chịu”, khác hẳn với nguyên tắc chịu trách nhiệm tập thể của cổ luật, một Nguyễn Trãi làm cả ba họ bị tru di như trong vụ án. Như vậy, ta có thể thấy rằng các nguyên tắc tố tụng hình sự hiện nay đều khá chặt chẽ, giảm nguy cơ oan sai trong các vụ án hình sự.

 Sưu tầm:

— H2O —

Sản Phẩm Liên Quan