Pháp luật về Chống phân biệt đối xử

 

Phân biệt đối xử hay kỳ thị là một thuật ngữ xã hội học nhằm chỉ tới một sự đối xử đối với một cá nhân hay một nhóm nhất định bao gồm bất kỳ sự phân biệt, bài trừ, hạn chế hoặc ưu đãi nào dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính tri hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội hoặc những tác động làm vô hiệu hóa hay gây tổn hại đến việc đối xử bình đẳng trong xã hội.

Từ điển Oxford định nghĩa phân biệt đối xử là “sự đối xử bất công hay gây phương hại đối với những nhóm người khác nhau, đặc biệt là liên quan đến chủng tộc, tuổi tác hay giới tính.” Còn theo từ điển Merriam-Webster, phân biệt đối xử là “các hành vi, hành động hoặc tình huống đối xử dựa vào sự phân loại tầng lớp hay đẳng cấp.”

Nhìn chung, phân biệt đối xử có thể được định nghĩa là sự đối xử bất công đối với ai đó dựa trên việc có hay không có một đặc điểm nhất định, dựa trên nền tảng văn hóa hay những khác biệt dễ nhận thấy khác. Nhưng, những nhóm người được luật pháp bảo vệ khỏi phân biệt đối xử lại khác nhau tùy thuộc vào vùng miền lãnh thổ.

Sự kì thị và phân biệt chủng tộc có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, thậm chí trở thành một phần cố định trong cuộc sống thường nhật theo nhận định của một nhóm người. Những người bị phân biệt đối xử, họ thường phải chịu đựng những ánh nhìn khinh thị và soi mói từ những người khác, thậm chí bị chửi mắng bằng những lời lẽ thô tục, bị từ chối khi xin việc vì nguồn gốc, màu da, giới tính hay tôn giáo của mình, bị gây khó dễ tại các sở ngoại kiều, các trung tâm giới thiệu việc làm, bệnh viện hay đồn cảnh sát. Bên cạnh những điều gây ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần, tính mạng của nhiều người trong số họ còn bị đe dọa bởi những sự tấn công của các phần tử bài ngoại.

Cũng chính vì những nguy hại từ việc phân biệt chủng tộc gây ra mà cả thế giới đều lên án, điều đó được thể hiện ở các Công ước quốc tế hay những văn bản luật riêng của từng nước.

Trên Thế giới, quy định về Chống phân biệt đối xử được thể hiện tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước quốc  tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, … là những Công ước yêu cầu các quốc gia phải tôn trọng và bảo đảm cho tất cả mọi người trong lãnh thổ và phạm vi tài phán của mình các quyền đã công nhận trong Công ước mà không có bất cứ sự phân biệt nào như về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, quốc tịch hay thành phần xã hội, tài sản, nguồn gốc hay các yếu tố khác.

Công ước không chỉ cho phép tất cả mọi người được bình đẳng trước pháp luật cũng như được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà còn nghiêm cấm bất cứ sự phân biệt đối xử nào theo luật và bảo đảm cho tất cả mọi người được bảo vệ một cách hiệu quả chống lại mọi sự phân biệt dựa trên bất cứ hình thức nào.

 

Ở Việt Nam, Chống phân biệt đối xử được thể hiện tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2012 và thể hiện trong các văn bản pháp luật khác.

Nguyên tắc cơ bản của các văn bản pháp luật đều nêu rõ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử.

Việc chống phân biệt đối xử được đề cập hầu như trên khắp thế giới. Pháp luật nhiều nước đề cập, tuy nhiên thực tế việc bình đẳng, không phân biệt đối xử chỉ là tương đối. Chúng ta sẽ thấy rất khó có sự bình đẳng hoàn toàn giữa một người da trắng với một người da đen trên đất Châu Âu hay ngược lại. Con người nói chung có thể có cảm xúc yêu gét giống nhau nhưng không có nền tảng nhận thức giống nhau. Do đó, việc phân biệt đối xử chỉ có thể cố gắng để thu hẹp lại về mặt khoảng cách chứ hiện tại trong nhiều năm nữa cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt đối xử.

 

Sản Phẩm Liên Quan