Tội phạm – Phần II

Tội phạm – Phần II

2. Những dấu hiệu của tội phạm: Tội phạm còn có thể được xem xét thông qua các dấu hiệu của nó như tính nguy hiểm của hành vi, tính có lỗi, tính trái pháp luật và tính phải chịu hình phạt. Bằng cách này, tội phạm được phản ánh bằng các dấu hiệu (đặc điểm) sau đây:
+ Là hành vi nguy hiểm cho xã hội;
+ Là hành vi có lỗi;
+ Hành vi có lỗi được quy định trong luật Hình sự;
+ Chủ thể của hành vi có lỗi phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự;
2.1 tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội: Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi đã gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đến các quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ. Các quan hệ đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế nền văn hóa quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của Tổ Quốc, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN Nếu không xâm phạm vào quan hệ xã hội được luật Hình sự bảo vệ thì không có hành vi nguy hiểm cho xã hội và tất yếu không có tội phạm xảy ra.
2.2 Tội phạm là hành vi có lỗi:
2.2.1 Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Vì vậy nếu một hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị coi là có lỗi thì người có hành vi đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.2.2 Cố ý phạm tội là trường hợp: – Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
– Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Có 4 loại cố ý như sau:
+ Cố ý có dự mưu: là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi đó đã suy nghĩ, tính toán cẩn thận mới bắt tay vào việc thực hiện tội phạm;
+ Cố ý đột xuất: là trường hợp một người vừa có ý định phạm tội đã thực hiện ngay ý định đó;
+ Cố ý xác định: là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi đã xác định được hậu quả.
+ Cố ý không xác định: là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi không hình dung chính xác hậu quả xảy ra như thế nào;
2.2.3 Vô ý phạm tội: Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật Hình sự thì vô ý phạm tội là tội phạm trong trường hợp sau đây: – Người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. – Người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Có những trường hợp vô ý phạm tội sau:
+ Vô ý vì cẩu thả: do cẩu thả mà phạm tội, không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước;
+ Vô ý vì quá tự tin: nhận thức được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra. 2.2.4 Những trường hợp hành vi không coi là có lỗi:
– Sự kiện bất ngờ trong đó người thực hiện hành vi không thể thấy trước được hậu quả hoặc không buộc phải thấy trước được hậu quả do hành vi của mình gây nên.
– Phòng vệ chính đáng;
– Tình thế cấp thiết.
2.3 Tội phạm là hành vi được quy định trong bộ luật hình sự: Có nhiều hành vi có thể nói là nguy hiểm cho xã hội nhưng không phải hành vi nào cũng là phạm tội mà chỉ những hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự mới là hành vi phạm tội. Nói cách khác tội phạm là hành vi trái pháp luật Hình sự. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 8 LHS) Như vậy, khi có một hành vi được coi là phạm tội thì phải chỉ rõ hành vi đó được quy định ở khoản nào, chương nào của Bộ luật Hình sự.
2.4 Chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự.

– Hành vi nguy hiểm cho xã hội bao giờ cũng được thực hiện bởi một con người cụ thể. Nhưng không phải bất kỳ người nào thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng là người phạm tội. Trong Bộ luật Hình sự quy định rõ người thực hiện hành vi phải là người đủ năng lực trách nhiệm hình sự mới là chủ thể của tội phạm.

– Bộ luật Hình sự không quy định trách nhiệm hình sự là gì? Mà chỉ quy định tình trạng không đủ năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 13) và tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12). Từ những quy định này, cần hiểu rằng chủ thể của tội phạm phải là người ở một độ tuổi nhất định và là người nhận thức được và điều khiển được hành vi của mình.

– Có khái niệm chủ thể đặc biệt: chỉ có người mẹ mới là chủ thể của tội giết con mới đẻ (Điều 94) hoặc chỉ người có chức vụ mới là chủ thể của các tội phạm về chức vụ (Chương XXI Bộ luật Hình sự)…. Như vậy, chỉ có những chủ thể có những điều kiện nhất định mới có thể trở thành chủ thể của những loại tội này.

—Nguồn internet—

Sản Phẩm Liên Quan