Về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt

 

Về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt

Chế định chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt được quy định ở phần chung Bộ luật hình sự 2003. Điều 15 BLHS quy định:

1.Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm…

2.Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội….

Trong Luật hình sự Việt Nam, khái niệm chuẩn bị phạm tội và phạm tôi chưa đạt dùng để phân biệt với khái niệm tội phạm hoàn thành. Sự khác nhau giữa chuẩn bị phạm tội với phạm tội chưa đạt là ở chỗ hành vi chuẩn bị phạm tội mới là hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm, chứ chưa phải là hành vi thực hiện tội phạm. Người chuẩn bị phạm tội chưa trực tiếp bắt tay vào việc thực hiện tội phạm còn người phạm tội chưa đạt đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, bắt tay vào việc thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của một cấu thành tội phạm cụ thể (mà dấu hiệu của mặt khách quan được quy định tại một điều luật cụ thể phần các tội phạm của BLHS) hoặc những hành vi đi liền trước hành vi thuộc mặt khách quan đó.

Sự khác nhau giữa phạm tội chưa đạt với tội phạm hoàn thành là ở chỗ, đối với phạm tội chưa đạt, người phạm tội đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người đó, còn đối với tội phạm hoàn thành người phạm tội thực hiện tội phạm đến cùng. Cơ sở để xác định một người đã thực hiện tội phạm đến cùng (phạm tội hoàn thành) hay không thực hiện được đến cùng (phạm tội chưa đạt) là ở chỗ người đó đã thỏa mãn hết các dấu hiệu của một cấu thành của một tội phạm cụ thể hay chưa? Nếu một người thực hiện hành vi thỏa mãn hết các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể thì người đó được coi là đã thực hiện tội phạm được đến cùng, tội phạm do người đó thực hiện được coi là tội phạm hoàn thành. Trong trường hợp một người thực hiện hành vi chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu của một cấu thành tôi phạm cụ thể, do những nguyên nhân ngoài ý muốn của người đó thì tội phạm do người đó thực hiện là tội phạm chưa hoàn thành, hành vi của người đó là hành vi phạm tội chưa đạt.

Theo quy định của BLHS trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội (đối với tội phạm nghiêm trọng) và phạm tội chưa đạt là cần thiết. Vì về khách quan hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, chúng đe dọa trực tiếp gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Về chủ quan, người chuẩn bị phạm tội và người phạm tội chưa đạt đã có ý thức lựa chọn thái độ phủ định với các yêu cầu và chuẩn mực xã hội (có lỗi). Người chuẩn bị phạm tội và người phạm tội chưa đạt chưa thực hiện được tội phạm đến cùng hoàn toàn do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của họ.

Khoản 3 điều 15 BLHS 2003 quy định: “Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng”.

Như vậy, theo quy định của BLHS, người chuẩn bị phạm tội và người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự (hình phạt) giống với người thực hiện tội phạm đã hoàn thành theo cùng một tội danh, trong khuôn khổ cùng một khung hình phạt, được quy định tại các điều trong phần Các tội phạm của BLHS.

 

— H2O —

Sản Phẩm Liên Quan